Khi cựu Bộ trưởng bối rối khai ra số tiền hàng triệu USD
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là bị cáo gây bất ngờ nhất tại phiên tòa khi “sáng chối, chiều nhận” số tiền 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG.
“Vô phúc đáo tụng đình” – câu thành ngữ thể hiện chuyện ra toà là một cái gì đó ghê gớm, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm. Điều này cũng có thể nhận thấy qua hai ngày diễn biến phiên xét xử sơ thẩm vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Vụ án mà theo lời của một vị Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi phát biểu trên nghị trường là “đi vào lịch sử tư pháp” đang trở thành tâm điểm chú ý. Bởi lẽ, 2 trong số 14 bị cáo hầu tòa từng giữ vị trí rất cao là Bộ trưởng. Số tiền thiệt hại trước khi được khắc phục lên tới hơn 8.800 tỷ đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên cả hai cựu quan chức cấp cao tiền nhiệm và kế nhiệm bị xét xử về tội nhận hối lộ với số tiền khiến xã hội sửng sốt-hàng triệu USD.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. (Ảnh: TTXVN)
Cụ thể, ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT nhận “cảm ơn” 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG), 700.000 USD từ Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone) và 200 triệu đồng của Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc Mobifone).
Còn người kế nhiệm ông Son là bị cáo Trương Minh Tuấn cũng khai nhận quà biếu 200.000 USD. Lê Nam Trà – với vai trò là Chủ tịch HĐTV Mobifone, sau khi ký kết hợp đồng với AVG cũng được tặng cả thùng tiền với con số không kém phần ấn tượng: 2,5 triệu USD.
Hàng trăm tỷ đồng lọt vào túi các cựu quan chức mới thấy rõ "sức nặng" quyền lực mà các vị đó từng nắm giữ.
Ấy vậy mà hình ảnh bây giờ thật khác! Phần lớn thời gian diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, nhiều người trong số họ không thể đứng trước bục khai báo, được HĐXX cho phép ngồi để trả lời về những hành vi sai phạm trước đây.
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son rất nhiều lần không nghe rõ câu hỏi của Chủ tọa phiên toà hoặc không hiểu rõ ý câu hỏi liên quan đến nội dung mà ông từng có nhiều chỉ đạo, bút phê. Nhiều câu trả lời thể hiện rằng trước đây ông không biết việc mình làm là sai, hay thông báo ý kiến của Thủ tướng “coi như là” Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư dù chưa ra quyết định khiến HĐXX phải nhắc nhở về năng lực và vai trò của một Bộ trưởng khi còn đương nhiệm.
“Tại phiên tòa này, ai cũng nói chẳng biết gì nhưng vẫn chễm chệ trên ghế Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành viên” – Thẩm phán Trương Việt Toàn đã bình luận như vậy.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng là người gây bất ngờ nhất tại phiên tòa khi “sáng chối, chiều nhận” số tiền 3 triệu USD hối lộ với lý do tinh thần căng thẳng, sức khỏe không tốt. Số tiền bất hợp pháp này, trước đây ông nói đưa cho con gái thì giờ khai đã chi tiêu cá nhân nhưng tiêu vào việc gì thì không nhớ, song hứa sẽ trả lại?!
Điều khó hiểu không chỉ dừng lại ở đó, khi hầu như không bị cáo nào trả lời được câu hỏi của HĐXX rằng căn cứ nào để thỏa thuận giá mua tới hơn 8.800 tỷ đồng cũng như cơ sở gì để đề xuất mua tận 95% cổ phần của AVG.
Có thể lấy trường hợp của Phạm Thị Phương Anh, với vai trò, trách nhiệm là Phó Tổng giám đốc Mobifone phụ trách tài chính, kế toán; Tổ trưởng Tổ giúp việc; Tổ trưởng Tổ đàm phán, nêu quan điểm rằng thực hiện thương vụ là khả thi, là tốt chỉ dựa vào báo cáo “có vấn đề” của đơn vị tư vấn, trên những căn cứ mơ hồ.
Hay như Hoàng Duy Quang - Thẩm định viên của Công ty AMAX, là người tham gia ký Báo cáo xác định giá trị AVG hơn 16.500 tỷ đồng, không đúng với giá trị thực tế, để hưởng hoa hồng từ giá trị hợp đồng cũng không lý giải được việc đưa ra con số “khủng” đó trên cơ sở nào – điều mà vị thẩm phán cảm thán rằng như người ta nói “bán trời không văn tự”.
Và một điều nữa không thể không băn khoăn là hầu hết các bị cáo, từ người từng giữ chức vụ quản lý cấp cao đến lãnh đạo một Tổng công ty lớn của Nhà nước đều nói quá trình đề xuất, đàm phán và ký hợp đồng không nhận thức được việc làm của mình là trái pháp luật, chỉ khi bị thanh tra, kiểm tra, điều tra mới thấy là sai. Trong đó có những văn bản mà nhiều bị cáo đã ký khống để nhằm hợp thức hóa hồ sơ thủ tục thương vụ Mobifone mua AVG chỉ vì “nể nang, thiếu hiểu biết”.
Xuyên suốt lời khai cho thấy, trước đây cấp dưới “hoàn toàn tin tưởng vào cấp trên” và dù có người băn khoăn cũng vẫn thực hiện theo chỉ đạo mà không có phản đối nào. Giờ trước tòa, họ đã nhận thức việc làm của mình là không đúng, đồng thời khai đích danh ai chỉ đạo, ai tham mưu, ai đề xuất cùng “đường đi” của những khối tiền tư lợi mà chẳng mấy ai dám nghĩ đến.
Luật pháp nghiêm khắc song cũng khoan hồng. Những bị cáo hôm nay đứng trước bục chắc hẳn đủ năng lực để hiểu rõ điều này. Phiên tòa, có lẽ vì thế sẽ là tâm điểm dư luận những ngày sắp tới – nơi mà mức độ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” của những nhân vật một thời từng "hô mưa, gọi gió" bị công lý soi tỏ.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)