“Bông mai đỏ” và anh hùng Mai Xuân Thưởng
Tiếp tục mạch sáng tạo về các nhân vật lịch sử Bình Định, mới đây, Nhà hát tuồng Đào Tấn bắt tay dàn dựng vở mới: “Bông mai đỏ” (tác giả kịch bản: Đoàn Thanh Tâm). Nhân vật trung tâm trong “Bông mai đỏ” là anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng - thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Bình Định.
Tiên phong trên sân khấu tuồng
Qua hàng loạt vở diễn lịch sử đã có, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã góp phần dựng lại chân dung những anh hùng dân tộc của quê hương Bình Định, tiêu biểu là Quang Trung - Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… Và nay, với “Bông mai đỏ”, lần đầu tiên nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng xuất hiện trên sân khấu truyền thống.
Theo tác giả Đoàn Thanh Tâm, cho đến nay trên cả nước, tính luôn các loại hình sân khấu truyền thống khác như chèo, cải lương, dân ca kịch… chưa có đơn vị nghệ thuật nào dựng vở về Mai Xuân Thưởng hoặc kịch bản nào được công bố. Tiên phong trong sáng tác, dàn dựng về thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn đang gánh trên vai mình phần việc mới mẻ và khó khăn.
Kịch bản “Bông mai đỏ” tái hiện một giai đoạn sóng gió của dân tộc- nửa cuối thế kỷ 19: đất nước từng bước rơi vào tay thực dân Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương, văn thân sĩ phu yêu nước tập hợp nhân dân khởi nghĩa đấu tranh. Mai Xuân Thưởng - linh hồn của phong trào Cần Vương ở Bình Định, sát cánh cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống Pháp trên quê hương và lan ra cả một vùng rộng lớn. Những địa danh thân thương trên đất Bình Định như: Hòn Nhưng, Lộc Đổng, Hương Sơn, Phú Lạc, Hầm Hô, Lại Giang, Kim Sơn, Chóp Chài, Đồng Viên, Thủ Thiện… mang theo tiếng vọng lịch sử hào hùng xuất hiện điệp trùng trong “Bông mai đỏ”. Tác phẩm kết thúc bằng vĩ thanh về cái chết bi tráng “chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không có hàng đầu tướng quân” của người anh hùng.
Góp tiếng nói “giải oan” lịch sử
Đạo diễn vở “Bông mai đỏ”, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn cho biết, tuy là vở diễn lịch sử nhưng thuộc thời cận đại, nên trong cách dàn dựng, vở diễn hơi nghiêng về sử thi, để mở rộng không gian và gần gũi với cuộc sống hơn. Về nội dung tư tưởng, ngoài những nét chính trong cuộc đời của một anh hùng trẻ tuổi mang hoài bão lớn, đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà đi theo tiếng gọi cứu nước, sẵn sàng lao vào nơi nguy khốn để cứu dân, trước giặc hiên ngang không khuất phục…, điều mà ê-kip sáng tạo tô đậm là chữ “hiếu” đặt trong thế nổi trội và hài hòa với chữ “trung”, chữ “tình” ở nhân vật Mai Xuân Thưởng. Đồng thời, thể hiện quan điểm “nhìn lại” về một anh hùng của địa phương.
Tìm hiểu về nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng, điều ám ảnh tôi nhất là “án” đầu thú treo lơ lửng trên đầu ông bao năm qua và tâm sự trong bài thơ “Chết” của chính người mang cái án ấy. Tôi luôn tự hỏi, một con người đứng trước giờ bị hành hình, ung dung vịnh về cái chết như vậy, lại có thể là người đầu thú giặc? Đừng lấy thành quả hôm qua mà đặt lên sự biến hôm nay, ấy là thông điệp, là chìa khóa thôi thúc tôi tìm một lời lý giải…
Đạo diễn - NSƯT HOÀNG NGỌC ĐÌNH
“Hơn 1 thế kỷ qua, khí phách cũng như đóng góp của Mai Xuân Thưởng cho lịch sử dân tộc có lẽ kém “sáng” hơn bởi tội danh: ra đầu thú để cứu mẹ? Một người mẹ ủng hộ con lao vào khói lửa chiến chinh để giúp nước, cứu dân có lẽ nào lại là người khuyên con ra hàng giặc? Tôi hoài nghi điều ấy. Và dẫu cho lịch sử phán xét thế nào thì nghệ thuật vẫn có quyền đưa ra cách nhìn nhận, lý giải công bằng, nhân văn hơn. Qua vở diễn này, bằng ngôn ngữ sân khấu tuồng, chúng tôi muốn góp một cái nhìn “giải” nỗi oan của người mẹ lẫn anh hùng Mai Xuân Thưởng”, NSƯT Hoàng Ngọc Đình cho biết.
Bằng những sáng tạo và lý giải của mình, “Bông mai đỏ” cho người xem thấy kết cục cuộc đời của vị anh hùng Mai Xuân Thưởng là “chết hiếu”, “chết trung”, “chết nhân”, “chết nghĩa” như những lời thơ đanh thép của ông. Xua áng mây mờ che khuất, xác tín một tấm gương mà trung-hiếu-tình đều vẹn tròn, để thổi bừng lên khí tiết, nhân cách anh hùng Mai Xuân Thưởng là điều mà những người sáng tạo “Bông mai đỏ” tâm nguyện và nỗ lực. Điều này đã một lần thể hiện trong kịch bản, và sẽ được làm sáng rõ hơn khi vở diễn ra đời.
SAO LY