Mong lắm thay!
Từ lâu, lũ lụt là chuyện bình thường đối với người dân ở miền Trung. Hễ có mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn là có ngập lụt ở hạ lưu. Từ bao đời nay người dân trong vùng vẫn sống chung với lũ, biết cách ứng phó với lũ lụt theo quy luật của tự nhiên. Với họ, chuyện “lụt 23 tháng Mười” là chuyện hiển nhiên và năm nào không có lụt mới là điều lạ!
Nhiều người cao tuổi chứng kiến trận lũ lụt lịch sử giữa tháng 11 vừa qua đều có chung nhận định: Năm nay lũ lụt đến với miền Trung không bình thường và chưa từng thấy cả trăm năm. Ngập lụt khắp nơi, không theo quy luật và nước lên nhanh bất thường làm cho người dân không kịp trở tay.
Nguyên nhân của sự bất thường này, theo nhiều nhận định từ thực tế, do thiên tai thì ít mà “nhân tai” thì nhiều. Trong đó, phải kể đến việc một số hồ đập thủy điện không làm tròn chức năng cắt lũ mà còn “tiếp sức” để lũ về nhanh hơn. Thủy điện cũng còn là tác nhân chính trong việc tàn phá rừng đầu nguồn. Để xây dựng một nhà máy thủy điện là phải mất hàng ngàn ha rừng. Rừng mất nhiều chừng nào thì chức năng giữ và điều tiết lượng nước về hạ lưu cũng giảm theo tương ứng. Vì thế nên bây giờ cứ có mưa lớn mà thủy điện đã tích đầy nước là vùng hạ lưu sẽ bị ngập lụt tức thì. Đây mới chính là thảm họa “nhân tai” mà cơ quan chức năng khi đánh giá tác động môi trường các hồ đập thủy điện đã không lường hết. Hậu quả nhãn tiền là lũ lụt tàn phá, gây thiệt lớn về người và của. Chỉ trong trận lụt vừa rồi người dân miền Trung đã mất đi 47 mạng người và 25.000 tỉ đồng thiệt hại vật chất!
Trong khi nhiều địa phương bị lũ lớn cho rằng các hồ thủy điện đã xả lũ với dung lượng lớn hơn lượng nước về hồ thì hầu hết các Ban quản lý các hồ đập thủy điện đều cho rằng mức xả lũ là bình thường và đúng quy trình vận hành (!). Chính vì thái độ “chạy tội” này mà trong phiên chất vấn trực tiếp tại Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu có ý kiến nêu rõ: Việc vận hành thủy điện thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy nặng nề cho người dân, thủy điện xả lũ đang là nỗi bức xúc lớn trong dân.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận đây là bức xúc trong nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, “với tinh thần dự án thủy điện phải bảo đảm hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, an toàn”, thời gian tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát đánh giá kỹ sự an toàn của hồ đập, cái nào không an toàn phải ngừng hoạt động. Đồng thời rà soát, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa để bổ sung cho phù hợp với diễn biến thực tế của thời tiết, cả mùa khô và mùa lũ. Quy trình vận hành này sẽ công khai cho dân biết, không phải đến khi khô kiệt hay lũ lụt mới cho dân biết.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường trách nhiệm quản lý của mình về thủy điện, buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, ai không vận hành đúng thì phải xử lý nghiêm cả về kinh tế đến pháp luật. Nếu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát bổ sung chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng, diện tích rừng đã mất do làm thủy điện…
Hi vọng rằng trong thời gian tới câu chuyện “thủy điện gây hại” sẽ chấm dứt và không bao giờ tiếp diễn. Có như thế thì viễn cảnh: “dự án thủy điện phải bảo đảm hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, an toàn” mà Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh trước Quốc hội mới trở thành hiện thực và người dân miền Trung sẽ bớt đi mối họa “nhân tai” thường trực là những công trình “thủy điện gây hại”.
HẢI ĐĂNG