An Lão phát triển chăn nuôi tập trung thâm canh
Trong 4 năm qua, huyện An Lão đã đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung thâm canh, bán thâm canh đạt hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn huyện.
Nuôi gà an toàn sinh học tại nhà anh Đinh Văn Huyền, xã An Trung.
Thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy An Lão “Về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng thâm canh, bán thâm canh giai đoạn 2016 - 2020”, huyện đã ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung tại các trang trại, gia trại và nông hộ. Trong đó, tập trung chăn nuôi thâm canh bò, heo, gia cầm tại các xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão (chiếm trên 75% tổng đàn). Với các xã miền núi, vùng cao, huyện thực hiện chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển chăn nuôi bán thâm canh các loại gia súc như trâu, bò, heo đen.
Huyện đã quy hoạch 4 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích hơn 33,6 ha tại xã An Hòa, An Tân, An Hưng và thị trấn An Lão, đạt 100% kế hoạch đề ra. Toàn huyện cũng đã hình thành 3 trang trại và 7 gia trại phát triển chăn nuôi bán thâm canh với quy mô từ 150 con trở lên. Tính đến cuối năm 2019, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hơn 38.160 con, gồm: 3.410 con trâu, hơn 24.700 con heo và 10.050 con bò (bò lai 7.166 con, chiếm 71,3% tổng đàn). Tổng đàn gia cầm hơn 65.760 con, tăng bình quân 8,5%/năm. Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng trong năm đạt 4.010 tấn, tăng hơn 2.969 tấn so với năm 2015.
Do cải thiện được chất lượng con giống và áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi, nên sản lượng thịt gia súc năm sau tăng hơn năm trước, 4 năm qua tăng bình quân 7,8%/năm. Đặc biệt, mấy năm gần đây, huyện đã đầu tư hơn 160 tỷ đồng cho chương trình phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng thâm canh, bán thâm canh, nhất là việc nạc hóa đàn heo và lai tạo đàn bò với chất lượng cao mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2019, giá trị sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt 126,7 tỷ đồng, chiếm 24,9% tỷ trọng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đạt 103,6% kế hoạch.
Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở An Lão đã có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Ngọc Quy ở thị trấn An Lão, xây dựng trang trại chăn nuôi heo với quy mô 600 con/năm. Hằng năm, heo xuất chuồng sau khi trừ chi phí gia đình ông Quy có lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng. Hộ anh Đinh Văn Huyền (người H’re) ở thôn 3, xã An Trung, chăn nuôi 800 con gà sinh học/năm, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, cho biết: “Cơ cấu sản xuất chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp của huyện những năm gần đây tương đối ổn định, năm 2019 chiếm gần 25%. Hệ thống thú y được củng cố từ huyện đến xã đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương; hoạt động khuyến nông ngày càng được xã hội hóa, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi. Quỹ đất các xã, thị trấn quản lý còn nhiều; nguồn lao động nông thôn dồi dào; khả năng khai thác các nguồn vốn để đầu tư cho ngành chăn nuôi khá phong phú. Vì vậy, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng thâm canh, bán thâm canh là phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương”.
Mục tiêu huyện An Lão đặt ra đến hết năm 2020 là xây dựng các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn phòng chống dịch bệnh; đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo hướng hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng tiếp tục quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng từ 2 - 4 khu chăn nuôi heo tập trung tại các xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão, với quy mô từ 2.500 - 3.000 con/khu chăn nuôi; xây dựng từ 7 - 10 trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt với quy mô từ 30 - 40 con/trang trại tại các xã An Quang, An Trung, An Hưng. Các xã vùng cao còn lại sẽ ưu tiên chăn nuôi trâu đàn. Phấn đấu quy hoạch xây dựng 1 điểm giết mổ gia súc tập trung tại xã An Hòa. Năm 2020, đưa tổng đàn gia súc toàn huyện lên 45.170 con, trong đó bò lai chiếm 75% tổng đàn, đàn gia cầm 80.000 con.
HOÀNG NAM QUỐC