Học sinh mầm non vùng dân tộc thiểu số của tỉnh: Từng bước được tăng cường Tiếng Việt
Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thực hiện Ðề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”, đến nay các trường đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo bà Lương Thị Xuân Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), những năm trước các trường cũng có tổ chức tăng cường Tiếng Việt nhưng chưa rõ ràng, cụ thể. Năm 2018, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo về Đề án tăng cường Tiếng Việt để lấy ý kiến về thuận lợi, khó khăn, đồng thời xây dựng môi trường vật chất và môi trường xã hội để học sinh mầm non thấy vui vẻ khi đến trường. “Những điều kiện về môi trường đã cơ bản hoàn thành, năm nay hoạt động sẽ đi sâu vào chuyên môn hơn, tăng cường kỹ năng nghe, nói, giao tiếp Tiếng Việt cho các bé ở vùng dân tộc thiểu số”, bà Lương Thị Xuân Tâm cho biết.
Môi trường làm quen cho học sinh được trang trí bằng hình ảnh và chữ Tiếng Việt ở Trường mầm non huyện An Lão .
Cuối năm học 2018 - 2019, chúng tôi có dịp thăm Trường mầm non Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), ngôi trường có đa số học sinh là con em người Bana, khi được chúng tôi hỏi tên tuổi hay bài hát yêu thích, nhiều bé trả lời rành mạch. Biết được điều ngạc nhiên của khách đến thăm, cô giáo của trường cho biết đã tổ chức tăng cường Tiếng Việt kết hợp với các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm nên các bé dạn dĩ, tự tin hẳn lên.
Hiện Trường mầm non Vân Canh (huyện Vân Canh) có cách làm khá hiệu quả. Vì vậy, giai đoạn tăng cường kỹ năng nghe, nói Tiếng Việt cho học sinh sẽ không quá bỡ ngỡ. Giáo viên của trường Huỳnh Thị Mỹ Dung chia sẻ: “Năm 2018, Trường mầm non Vân Canh được Sở GD&ĐT chọn tổ chức xây dựng môi trường và lên tiết dạy tăng cường Tiếng Việt để các trường khác tham khảo. Nhằm xây dựng môi trường phục vụ việc này, nhà trường đã chọn những đồ dùng gần gũi của địa phương, đặc biệt là dành cho đồng bào Bana và Chăm H’roi. Sau đó, các cô dạy bé từng từ, gọi tên đồ vật rồi đặt câu, tiếp đó là kể những câu chuyện gần gũi với cuộc sống. Qua đó, chúng tôi dạy học sinh đặt câu hỏi đàm thoại, hỏi và trả lời bằng Tiếng Việt”.
Dù Ðề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” được UBND tỉnh phê duyệt có cả phần kinh phí, nhưng ngoài huyện An Lão thì hầu như các huyện khác không giải ngân được kinh phí để mua sắm trang thiết bị, học liệu và tổ chức các hoạt động. Ðồng thời chế độ hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường Tiếng Việt cũng chưa được các địa phương giải quyết tốt.
Ở huyện An Lão, có nhiều trường mầm non tổ chức thành công lớp bán trú là lợi thế để thực hiện tăng cường Tiếng Việt. Cô Văn Thị Thủy, Trường mẫu giáo An Trung, huyện An Lão, cho biết: “Trường có 7 lớp bán trú, trong đó điểm chính có 3 lớp và còn lại là ở các điểm làng. Các em ở với cô cả ngày nên tiếp xúc, giao tiếp nhiều giúp học sinh mạnh dạn hơn. Có tổ chức bán trú nên chúng tôi cố gắng chuẩn bị môi trường tăng cường Tiếng Việt khá kỹ lưỡng. Phần nhờ phụ huynh, Xã đoàn trồng cây, rồi tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật chúng tôi tạo cảnh quan thêm đẹp. Xong phần chuẩn bị môi trường, chúng tôi sẽ tập trung tổ chức tăng cường các kỹ năng nghe, nói trong tiết học, ở mọi lúc mọi nơi, các hoạt động của nhà trường và khi đón trẻ. Hướng các em trò chuyện bằng tranh, ảnh giao tiếp với các cô, dặn ba mẹ cũng tập nói tiếng phổ thông để các em quen dần”.
Đồng thời, huyện An Lão cũng có sự quan tâm sâu sát hơn đến việc tăng cường Tiếng Việt ở cấp học mầm non. Bà Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên phụ trách mầm non của Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho biết: “Vừa rồi huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua học liệu cho các cô ở trường mầm mon, tiếp theo chúng tôi sẽ tham mưu huyện hỗ trợ mua học liệu cho trẻ. Trước mắt, huyện sẽ tổ chức thao giảng theo cụm trường để thảo luận đưa ra những phương pháp hay về tăng cường Tiếng Việt. Đồng thời quan tâm, giúp đỡ các trường tổ chức các tiết học, tổ chức hội thi bé yêu Tiếng Việt”.
“Khác với năm trước, năm nay sẽ không dùng song ngữ để dạy trẻ người dân tộc thiểu số nữa, tức các cô sẽ dạy hoàn toàn bằng Tiếng Việt. Bên cạnh đó, các trường cần phối hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh về tầm quan trọng của Tiếng Việt để phụ huynh đồng hành với nhà trường”, bà Lương Thị Xuân Tâm chia sẻ thêm.
THẢO KHUY