Cần có giải pháp thu hồi nợ xấu “tàu 67”
Thời gian qua, bên cạnh nhiều chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đã trả nợ vay cho ngân hàng đúng cam kết, thì một số chủ tàu cố tình lảng tránh trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, dẫn đến phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, nên cần sớm có giải pháp xử lý tình trạng này.
Phần lớn chủ “tàu 67” có nợ quá hạn
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã cho 62 chủ tàu vay 921 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Đến nay, tổng dư nợ cho vay là 867 tỷ đồng. Hiện có 47 chủ “tàu 67” (chiếm tỷ lệ hơn 75%) có nợ quá hạn 111 tỷ đồng tiền gốc và 120 tỷ đồng tiền lãi.
Tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép nằm bờ nhiều năm tại cảng cá Đề Gi.
Ngư dân Trương Hoài Đức, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ composite BĐ 99992 - TS, chia sẻ: “Mình vay thì phải trả nợ theo hợp đồng cam kết. Tàu của tôi đóng năm 2017, trị giá 14,2 tỷ đồng, hoạt động hiệu quả cao, nên tôi đã trả nợ vay được 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có một số tàu hoạt động hiệu quả nhưng chủ tàu không trả nợ cho ngân hàng đã tạo tâm lý so bì khiến nhiều ngư dân cũng không muốn trả nợ, ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước”.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các ngân hàng làm việc với chủ “tàu 67” ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát để kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động. “Kết quả kiểm tra có 35/42 tàu hoạt động có lãi (chiếm 83,33%); 3/42 tàu hoạt động hòa vốn (chiếm 7,15%); 4/42 tàu hoạt động thua lỗ, hiệu quả thấp (chiếm 9,52%). Các tàu bị thua lỗ chủ yếu do không đi đánh bắt, thiếu lao động hoặc do tàu có thiết kế không phù hợp khi hoạt động bị lưới quấn chân vịt phải khắc phục, sửa chữa nhiều lần... Riêng 3 tàu dịch vụ hậu cần và 4 tàu bị chìm, đoàn không đánh giá”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết.
Nan giải việc thu hồi nợ
Thực tế, việc thu hồi nợ gặp trở ngại, bởi các ngân hàng cho vay không quản lý được doanh thu của các chủ tàu; nhiều chủ tàu cung cấp thông tin về hiệu quả đánh bắt không chính xác…
Nhiều tàu cá vỏ thép tiền tỷ nhưng hoạt động không hiệu quả neo đậu tại cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) thời gian dài đã hoen rỉ, xuống cấp.
Ông Đặng Kiều Hưng, Giám đốc Viettinbank Bình Định, cho biết: “Năm 2015, đơn vị cho 4 chủ tàu ở TP Quy Nhơn vay vốn hơn 30 tỷ đồng. Đến nay, họ chỉ trả được 1,2 tỷ tiền gốc, 340 triệu đồng tiền lãi và giờ không trả nữa nên đã chuyển sang nợ quá hạn. Chúng tôi đã khởi kiện 1 chủ tàu, đã có quyết định thi hành án; 3 chủ tàu còn lại đơn vị đang xem xét để tiếp tục khởi kiện, thu hồi tàu, phát mãi tài sản để xử lý nợ”.
Vietcombank Bình Định cũng đã khởi kiện 2 chủ tàu. Ông Nguyễn Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Vietcombank Bình Định, chia sẻ: “Khi thu hồi tài sản là tàu cá, các ngân hàng lại phải tốn thêm nhiều chi phí trông coi, bảo quản bởi tàu nằm bờ sẽ càng xuống cấp và rất khó tìm được khách hàng mua lại tàu mà số tiền thu về cũng rất thấp”.
“Chính bởi nhiều ngư dân so bì “thấy người ta không trả nợ thì dại gì mình trả” đã phát sinh tình trạng nợ xấu “tàu 67” gia tăng. UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các huyện, thành phố ven biển tăng cường phối hợp các ngân hàng vận động, tuyên truyền các chủ tàu trả nợ. Ðồng thời xác định lại hoạt động của các tàu để có biện pháp thu hồi nợ vay. Giải pháp bổ sung thêm tài sản thế chấp khi vay vốn đóng tàu cũng là giải pháp hay để ngư dân nâng cao trách nhiệm trong việc trả nợ, tỉnh cũng sẽ kiến nghị Trung ương để có chính sách triển khai”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 quy định cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp không đủ năng lực để hoạt động khai thác thủy sản. Chủ mới của tàu tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu, nhưng phải trả cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh do chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. Điều này rất khó khả thi...
Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, khi đánh giá lại hoạt động các con tàu thì cũng phải buộc chủ tàu cam kết bổ sung tài sản thế chấp để chủ tàu có nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời phải sớm bán bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho chủ tàu để tránh tình trạng ngư dân mượn cớ tàu nằm bờ không có tiền trả nợ vay.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Trà Dương, cho biết: Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành để có văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi chủ tàu phù hợp với thực tế và phương thức xử lý số tiền chênh lệch khi chuyển đổi chủ tàu.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN