Khoán bảo vệ rừng sản xuất ở Phù Mỹ: Sai quy định, không đúng đối tượng
Dù không đủ thẩm quyền theo quy định, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ vẫn khoán cho nhiều hộ dân bảo vệ, chăm sóc nhiều diện tích rừng sản xuất. Ðáng nói, một số người được khoán bảo vệ rừng sản xuất là cán bộ, nhân viên và người nhà của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và số người không cư trú tại địa phương.
Từ khoán rừng sai quy định…
Theo thống kê, hiện Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Phù Mỹ quản lý 142,2 ha rừng sản xuất. Trong đó, xã Mỹ Trinh có 44,4 ha, thuộc tiểu khu (TK) 166 và 160b; xã Mỹ Châu có 39,2 ha, thuộc TK 119; xã Mỹ Quang có 20,6 ha, thuộc TK 180 và xã Mỹ Phong có 38 ha, thuộc TK 149 (diện tích này đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ cho BQLRPH huyện Phù Mỹ). Toàn bộ 142,2 ha rừng trồng sản xuất này không xen kẽ trong rừng phòng hộ.
Nhiều diện tích rừng trồng sản xuất tại xã Mỹ Trinh, Mỹ Quang, Mỹ Phong được BQLRPH huyện Phù Mỹ khoán không đúng quy định, sai đối tượng.
Hiện BQLRPH huyện Phù Mỹ khoán 84,3 ha rừng sản xuất được đầu tư bằng vốn ngân sách cho hộ dân bảo vệ; khoán 42,9 ha cho hộ tự bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi theo Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12.11.2001 của Chính phủ. 15 ha còn lại (thuộc khoảnh 2, TK 166) trồng cây sao đen vào năm 1997, do BQLRPH huyện Phù Mỹ quản lý, chăm sóc.
Đáng nói, theo các quy định pháp luật hiện hành, BQLRPH huyện Phù Mỹ không đủ thẩm quyền khoán rừng trồng sản xuất cho cá nhân bảo vệ, chăm sóc. Cụ thể, khi rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), UBND tỉnh quy định giao diện tích rừng sản xuất cho địa phương cấp xã quản lý.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 16 Luật Lâm nghiệp năm 2017, BQLRPH chỉ được giao quản lý đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Trong khi đó, toàn bộ 142,2 ha rừng sản xuất BQLRPH huyện Phù Mỹ đang quản lý không xen kẽ trong rừng phòng hộ; đồng nghĩa với việc đơn vị này không được giao quản lý, phải lập thủ tục chuyển cho địa phương cấp xã. Thế nhưng đến nay, BQLRPH huyện Phù Mỹ chưa giao địa phương quản lý; tiếp tục giữ lại để khoán cho hộ dân.
… Đến không đúng đối tượng
Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016 của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng sản xuất phải đang cư trú hợp pháp tại địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi có rừng sản xuất. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Báo Bình Định, nhiều trường hợp không cư trú tại địa phương nơi có rừng sản xuất vẫn được BQLRPH huyện Phù Mỹ ưu ái khoán nhiều diện tích.
Đơn cử, ông Hà Văn Nhung và ông Nguyễn Văn Thạnh (cùng trú xã Mỹ Trinh) lần lượt được khoán 9,7 ha và 7 ha rừng sản xuất tại xã Mỹ Quang và Mỹ Phong. Ông Trần Diệp Phước (trú xã Mỹ Chánh) được khoán 18 ha tại xã Mỹ Quang và xã Mỹ Phong; bà Lê Thị Bạch Tuyết (trú thị trấn Phù Mỹ) được khoán 4,8 ha tại xã Mỹ Quang. Các ông Nguyễn Đức Bích (ở xã Mỹ Hiệp) được khoán 4 ha, Dương Đức Xứng (ở xã Mỹ Thành) được khoán 2,3 ha và Lê Hữu Thức (trú xã Mỹ Lộc) được khoán 2 ha tại xã Mỹ Phong; tất cả diện tích này là rừng sản xuất. Đáng nói, nhiều người trong số này đã và đang là cán bộ, nhân viên BQLRPH huyện Phù Mỹ; đơn cử như các ông Nhung, Thạnh, Phước…
Ðược biết, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ đã giao các ban, ngành chức năng của huyện kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn khoán không đúng quy định, sai đối tượng. Hy vọng, các cơ quan chức năng liên quan sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này; tránh dư luận không tốt tại địa phương.
Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Mỹ, đúng là có một số cán bộ, người nhà của cán bộ BQLRPH huyện Phù Mỹ được khoán bảo vệ rừng sản xuất. Ngoài ra, một số trường hợp không định cư tại địa phương nơi có rừng sản xuất cũng được khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc khoán thực hiện cách đây nhiều năm, từ thời điểm các năm 2004, 2005 và 2009.
Bên cạnh đó, một số trường hợp, người dân cư trú tại địa phương nơi có rừng sản xuất nhận khoán bảo vệ, nhưng sau đó tự thỏa thuận chuyển nhượng cho người ở địa phương khác. Đến nay, các hộ nhận khoán đang trong quá trình bảo vệ, chăm sóc rừng trồng nên nếu chuyển cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý theo đúng quy định sẽ ảnh hưởng, thiệt thòi không nhỏ cho những trường hợp này.
“Việc BQLRPH khoán cho người dân bảo vệ, chăm sóc rừng sản xuất được thực hiện theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Chính phủ, chứ UBND huyện Phù Mỹ không có chủ trương. Sau khi UBND tỉnh điều chỉnh 3 loại rừng, chúng tôi đã lập thủ tục, phương án chuyển cho địa phương cấp xã quản lý diện tích rừng sản xuất do BQL quản lý trước đây (trừ 38 ha đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ cho BQLRPH huyện Phù Mỹ - PV). Tuy nhiên, do một số vướng mắc, trục trặc nên đến nay chưa chuyển giao cho chính quyền địa phương, BQL tạm thời tiếp tục quản lý diện tích này”, ông Thăng lý giải.
VĂN LỰC