Xét xử án giao thông - Sao lại giơ cao đánh khẽ?
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2013, tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử 105 vụ/109 bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, làm chết tổng cộng 88 người, bị thương 42 người. Tuy nhiên, theo nhận định chung, án giao thông hiện vẫn còn được xử theo cách “giơ cao đánh khẽ”.
Sai hoàn toàn vẫn hưởng… án treo
Trong 109 bị cáo bị xét xử nói trên, có 29 bị cáo bị truy tố, xét xử theo điểm a, Khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự (không có giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe theo quy định, khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù giam); 10 bị cáo phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng bị truy tố, xét xử theo điểm đ, Khoản 2, Điều 202 và Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 7-15 năm tù). Kết quả xét xử, có 78 bị cáo bị tuyên phạt tù giam và 31 bị cáo được cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ (chiếm tỉ lệ 28,4%).
Tuy vậy, theo nhận định của Viện KSND tỉnh, mức hình phạt tuyên của tòa sơ thẩm đối với các bị cáo thời gian qua còn nhẹ; nhiều vụ việc áp dụng căn cứ pháp luật chưa đúng, hình phạt tuyên không tương xứng. Ngoài ra, tòa án còn lạm dụng trong việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử các bị cáo mức án dưới khung hình phạt, hoặc cho hưởng án treo không phù hợp, nhất là đối với trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện, phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Điều này trái với quy định được nêu tại Công văn số 344/TT-TA 24.8.1995 của Chánh án TAND Tối cao: “Không cho hưởng án treo trong trường hợp gây chết người mà lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe do vi phạm các quy định về ATGT vận tải”. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 6 trường hợp áp dụng căn cứ pháp luật trái với quy định trên.
“Không cho hưởng án treo trong trường hợp gây chết người mà lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe do vi phạm các quy định về ATGT vận tải”
Đơn cử, trường hợp bị cáo Phạm Xuân Thủy (Quy Nhơn) điều khiển xe ô tô 7 chỗ, tránh vượt xe tải không đảm bảo an toàn, tông chết 2 nữ sinh lớp 10 trường THPT Hùng Vương (Quy Nhơn). Dù TAND TP Quy Nhơn xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo, nhưng vẫn xử bị cáo Thủy 2 năm 6 tháng tù treo. Tại huyện Tuy Phước, bị cáo Bùi Công điều khiển xe ô tô tải ben chạy trên cầu hẹp, thiếu quan sát gây tai nạn làm chết 1 người. Lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo nhưng TAND huyện Tuy Phước vẫn xử Công 12 tháng tù treo.
Hay như bị cáo Đặng Văn Vỹ (huyện Hoài Nhơn) điều khiển xe ô tô khách, không làm chủ tốc độ khi đi qua đoạn đường có biển báo nguy hiểm, gây tai nạn làm chết 2 người, TAND huyện Hoài Nhơn xử 2 năm án treo. Sau khi bị Viện KSND tỉnh kháng nghị, TAND tỉnh chấp nhận và xử bị cáo Vỹ án giam.
Nặng - nhẹ không đều
Bà Đoàn Thị Quý Châu, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự phúc thẩm, Viện KSND tỉnh, cho biết: “Kháng nghị về án giao thông chiếm trên 40% tổng số vụ án hình sự mà Viện KSND hai cấp kháng nghị từ đầu năm đến nay. Trong một số vụ án, tòa sơ thẩm đã đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi vi phạm của bị cáo, dẫn đến ra quyết định bản án xử quá nặng hoặc quá nhẹ”.
Đơn cử trường hợp bị cáo Nguyễn Văn Minh (công nhân lái xe thuộc Công ty TNHH Bá Sanh Đường, Hoài Nhơn) sử dụng giấy phép lái xe giả và điều khiển xe ô tô tải ben thiếu quan sát, đi không đúng phần đường, gây tai nạn làm chết một cháu nhỏ. Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND huyện Hoài Nhơn đề nghị xử từ 12 đến 15 tháng tù, nhưng TAND huyện Hoài Nhơn chỉ xử Minh 9 tháng tù, dưới khung khởi điểm. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Tiến Vinh (cũng ở Hoài Nhơn) vi phạm lỗi đi không đúng phần đường, tông chết 1 người, làm bị thương 1 người, gây thiệt hại tài sản 64 triệu đồng, thì lại bị TAND huyện Hoài Nhơn xử đến 7 năm tù. Sau khi bị cáo Vinh kháng cáo, Tòa phúc thẩm đã xử giảm 3 năm tù.
Trường hợp tương tự xảy ra tại huyện Phù Mỹ. Bị cáo Hồ Văn Do, điều khiển xe ô tô khách hạng E, đi không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, để xe đâm vào thành cầu bên trái làm xe và hành khách rơi xuống cầu, làm 2 người chết và nhiều người bị thương, nhưng TAND huyện Phù Mỹ chỉ xử 30 tháng tù treo. Sau khi vụ án này bị hủy, tòa cấp sơ thẩm xử lại, tuyên phạt bị cáo Do 18 tháng tù giam. Ngược lại, bị cáo Nguyễn Phi Hùng đi xe mô tô không có bằng lái, tránh vượt không đảm bảo an toàn, làm bị thương một người (mất 70% khả năng lao động), nhưng lại bị tòa này xử đến 4 năm tù giam. Viện KSND tỉnh kháng nghị vì cho rằng TAND huyện Phù Mỹ đã tuyên hình phạt quá nghiêm khắc đối với bị cáo Hùng. Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, xử giảm cho bị cáo Hùng 18 tháng.
Theo quy định, việc tuyên phạt hình phạt nhẹ hoặc cho hưởng mức án treo thường căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, khắc phục hậu quả, gia đình nạn nhân bãi nại. Tuy nhiên, cũng không thể “vận dụng” các tình tiết này một cách quá đáng để xử nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, vì vô hình chung sẽ tạo nên suy nghĩ “chỉ cần bồi thường mạnh cho gia đình nạn nhân là xong” và coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.
Mới đây, Viện KSND tỉnh đã có văn bản kiến nghị gửi cho TAND tỉnh, yêu cầu rà soát, chấn chỉnh tình trạng xử nhẹ trong án giao thông trong thời gian vừa qua, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Có xử nhẹ trong án giao thông!
Đây là khẳng định của ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, khi trả lời chất vấn của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc có hay không việc xử án giao thông nhẹ như dư luận phản ánh, tại buổi làm việc với TAND tỉnh về thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (ngày 19.11). “Trong năm 2012, có 3 trường hợp án giao thông lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông gây chết người nhưng xử cho hưởng án treo, bị Viện KSND tỉnh kháng nghị 2 trường hợp. Cả 3 trường hợp đều là con em, cán bộ trong ngành Công an cả”, ông Thái nói thêm.
THU HÀ
THÚY VINH - AN NHIÊN