Bình Định với công tác phát triển TDTT đến năm 2020:
Còn nhiều việc phải làm
Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy (ngày 18.7.2013) đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp phát triển TDTT của tỉnh đến năm 2020 với mong muốn định hướng cho sự đầu tư, phát triển toàn diện thể thao tỉnh nhà. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành thể thao và các cấp chính quyền trong tỉnh còn nhiều việc phải làm.
Theo thống kê của Sở VH-TT & DL, toàn tỉnh hiện có 29,3% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 570 CLB TDTT cơ sở hoạt động từ một đến nhiều môn thể thao; số trường học thực hiện TDTT nội khóa đạt 100%; số trường học thực hiện TDTT ngoại khóa đạt 65%; phong trào tập luyện và thi đấu TDTT trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ và người cao tuổi được duy trì và phát triển.
Định hướng nhiều mục tiêu
Cùng với hoạt động phong trào, các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh đã được chú trọng, việc đào tạo, tập huấn và thi đấu bước đầu đã có tính chuyên nghiệp cao. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo việc tập luyện và tổ chức thi đấu. Đến nay, đã có 10/11 nhà tập đa năng của các huyện, thị xã, thành phố đưa vào hoạt động. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT bước đầu có những chuyển biến đáng kể; nhiều doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã đầu tư kinh phí nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, tài trợ, hỗ trợ tổ chức các giải thể thao.
Theo định hướng kế hoạch phát triển TDTT tỉnh từ nay đến năm 2020: phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành công tác chuẩn bị và xúc tiến đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh. Đến năm 2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có sân vận động, nhà thi đấu thể thao đạt chuẩn; 35% số xã có trung tâm văn hóa thể thao xã, khu thể thao thôn đạt chuẩn Việt Nam (đến năm 2020 tăng lên 75%). Số trường học phổ thông có CLB, cơ sở vật chất, giáo viên và hướng dẫn viên phục vụ TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa, đến năm 2015 đạt 75% và đến năm 2020 đạt 80%; đưa các môn bơi lội và võ cổ truyền vào chương trình ngoại khóa đối với học sinh THCS và THPT. Đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục sân thi đấu bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn quốc gia, sân quần vợt, khu thể thao dưới nước.
Đối với thể thao thành tích cao, đến năm 2020, ưu tiên đầu tư các môn bóng đá, võ cổ truyền, quyền Anh, vovinam, taekwondo, điền kinh, cờ tướng, cờ vua…Tập trung đào tạo 800-900 VĐV ở tuyến năng khiếu; 200 VĐV ở tuyến trẻ; 250 VĐV tuyến đội tuyển. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 (đạt 12-15 HCV, xếp hạng 15-20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc)...
Thực tế cho thấy, những mục tiêu, định hướng của TDTT Bình Định đến năm 2020 có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra cho ngành TDTT hiện nay là việc đầu tư phát triển TDTT của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế và chưa mang tính đồng bộ. Ông Lê Chí Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho rằng: “TDTT muốn phát triển, đòi hỏi sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Trong đó, các cấp chính quyền địa phương phải xem việc đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động thể thao phong trào gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có như vậy, phong trào TDTT mới phát triển ổn định và bền vững, làm nền tảng cho sự phát triển thể thao thành tích cao”.
Về điều này, ông Đinh Khắc Diện, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL, cho biết: “Nếu được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn, ngoài việc nâng cao thành tích của các đội tuyển, còn có thể vận động đăng cai các sự kiện thể thao lớn, thúc đẩy phong trào rèn luyện TDTT trong nhân dân. Bình Định đang vận động giành quyền đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022 nên việc chuẩn bị xây dựng các công trình phục vụ sự kiện này rất cần thiết”.
KIM PHƯƠNG