Bộ Y tế thí điểm liên thông đơn thuốc điện tử quốc gia
Sử dụng phần mềm đơn thuốc điện tử Quốc gia, người dân sẽ không cần dùng đơn thuốc trên giấy và trên sổ y bạ như trước đây.
Người bệnh có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu ở Việt Nam mà đảm bảo có đơn thuốc (bằng mã đơn của chính mình). Bệnh nhân cũng có thể truy xuất toa thuốc bác sĩ đã kê cho mình, từ đó phản hồi hoặc xin tái kê đơn.
Người dân cũng được cảnh báo với các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cấm khác, được cảnh báo về các đơn thuốc quá hạn, cần tái khám mới tiếp tục sử dụng...
Đề án Đơn thuốc điện tử quốc gia hiện được Bộ Y tế thí điểm tại 2 tỉnh là Hà Tĩnh và Hưng Yên. Toàn bộ đơn thuốc đã kê của các cơ sở đều gửi lên hệ thống Đơn thuốc điện tử Quốc gia và các cấp quản lý Bộ Y tế, Sở Y tế, đơn vị quản trị các đơn thuốc đã kê.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay người dân vẫn sử dụng sổ y bạ để mua thuốc và không xác minh được đơn thuốc. Nhà quản lý không biết bác sĩ và cơ sở khám bệnh đã kê đơn gì, ai ra toa và người bệnh đã thực hiện việc mua chưa.
Cả nước hiện có gần 50.000 cơ sở khám chữa bệnh. 95% các cơ sở khám bệnh công lập đã có phần mềm quản trị đơn thuốc nhưng không đồng nhất và liên thông. 70% các cơ sở bán thuốc có phần mềm quản trị nhưng chưa bán thuốc theo đơn.
"Vì thế, đơn thuốc điện tử Quốc gia sẽ góp phần khắc phục những bất cập này", ông Khuê nói tại Hội nghị truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, ngày 20.12.
Đơn thuốc kê tại bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh qua phần mềm đơn thuốc điện tử quốc gia. Ảnh: T.H.
Phần mềm đơn thuốc điện tử quốc gia là nơi có thể tiếp nhận, lưu trữ đơn thuốc gửi tới từ các cơ sở khám chữa bệnh (công lập và tư nhân) trên phạm vi toàn quốc. Mỗi đơn thuốc sẽ có một mã khác nhau và đảm bảo tính bảo mật cũng như đảm bảo tránh trùng lặp. Phần mềm sẽ chia sẻ đơn thuốc tới người bệnh và các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thị trường.
Với bác sĩ, kho đơn thuốc này giúp họ thể tổng hợp được đơn thuốc đã kê của mình từ đó thuận lợi cho việc theo dõi bệnh nhân. Cơ sở khám chữa bệnh quản lý được đơn thuốc kê ra từ cơ sở của mình một cách chi tiết nhất đảm bảo việc kê đơn hợp lý, đảm bảo minh bạch hóa đơn thuốc và các loại thuốc sử dụng.
Nhà quản lý cũng giám sát và đảm bảo việc bán thuốc theo đơn, theo dõi, truy xuất xác minh từng đơn thuốc của từng cơ sở khám chữa hoặc bất cứ bác sĩ nào để đảm bảo hoạt động thanh kiểm tra giám sát tốt nhất. Đồng thời có được thống kê chi tiết về tình trạng bệnh lý, tình hình sử dụng thuốc, từ đó đưa ra những hoạch định chính sách y tế phù hợp và đáp ứng thực tế.
Đơn thuốc điện tử được liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử tạo thành chu trình khép kín.
Năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai kết nối liên các cơ sở cung ứng thuốc. Đến nay đã có gần 90% cơ sở cung ứng thuốc có phần mềm. Năm 2019, Bộ tiếp tục áp dụng đơn thuốc điện tử quốc gia để đảm bảo chu trình khép kín trong việc quản trị dòng đường đi của thuốc, bán thuốc theo đơn và tránh tình trạng nhờn thuốc.
Theo Lê Nga (VnE)