Xơ xác làng cúc Vĩnh Liêm
Lũ quét qua, khoảng 20.000 chậu cúc của 40 hộ trồng hoa ở làng cúc Vĩnh Liêm (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) héo rũ và đang chết dần. Người làng nghề đang cố vớt vát bằng cách gieo những giống hoa ngắn ngày may mắn còn dự trữ được, cho Tết.
Trắng làng cúc
Đến Vĩnh Liêm, vào nhà trồng hoa nào cũng gặp những khuôn mặt buồn rười rượi, bần thần vì bất lực trước hàng ngàn chậu hoa đang héo rũ và chết dần, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh chỉ cách đây chừng 2 tuần thôi, khi người dân nơi đây tất bật, háo hức chăm hoa, hẹn nhau một mùa hoa Tết bội thu. Người trồng hoa Vĩnh Liêm bảo, chưa bao giờ họ gặp tình cảnh như thế này!
500 chậu hoa cúc của ông Lê Văn Trường phía trước nhà đang héo dần. Dẫn chúng tôi ra vườn, nhổ từng cây cúc lên để chỉ cho chúng tôi thấy rễ cây đang thối rữa mà ông Trường đau xót. “Hoa cúc không chịu được nước bạc, trong khi lũ ngâm cả ngày lẫn đêm, giờ chậu nào cũng đóng một lớp bùn non nên khi gặp nắng là chết thôi, không còn cách nào cứu chữa”. Ông Trường lắc đầu - Công lao 3 tháng trời chăm sóc, chi phí gần 30 triệu đồng của gia đình ông, giờ trôi theo dòng nước lũ, Tết này không có hoa để bán.
Lũ rút, vợ chồng anh Nguyễn Minh Công nhìn 1.000 chậu cúc đang héo dần mà buồn não nề. Hoa chết, món nợ 50 triệu đồng mà vợ chồng họ đi vay mượn để trồng cúc đang treo trước mắt, không biết lấy gì mà trả. Năm trước, vợ chồng anh cũng trồng được 1.000 chậu cúc, bán Tết lãi được 50 triệu đồng. Năm nay anh Công cũng hy vọng kiếm được chừng ấy tiền lãi, hóa ra giờ trắng tay. Anh Công nói trong bức xúc: “Lũ gì mà lên nhanh quá, chưa kịp kê dọn thứ gì thì nước đã ngập đến cổ. Ngồi trên nóc nhà nhìn xuống thấy vườn cúc chìm sâu trong lũ mà chết điếng người”.
Gieo chút hy vọng
Mất trắng mùa cúc, một số hộ trồng hoa ở Vĩnh Liêm chuyển hướng sang trồng vạn thọ, cẩm chướng, thược dược, păng xê…, những giống hoa ngắn ngày, để Tết này có hoa bán. Chị Nguyễn Thị Hồng, có 300 chậu cúc bị chết nhưng còn chút may mắn khi số hạt giống hoa cẩm chướng chị không bị lũ cuốn trôi, cũng không bị ngập nước. Mấy ngày nay, chị đi mua chậu để trồng. Chị Hồng kể: “Tôi sợ để dưới đất bị gà bươi làm hỏng hết giống nên để trên cao, chứ không cũng mất hết rồi. Thôi thì có 100 chậu cẩm chướng để bán Tết cũng an ủi phần nào”.
Gia đình bà Lương Thị Phú cũng có 700 chậu cúc đang héo, nhờ có giống hoa păng xê nên giờ chuyển sang trồng 150 chậu hoa loại này. Bà Phú chắc lưỡi: “Bán 10 chậu hoa păng xê, thược dược, cẩm chướng mới bằng 1 chậu hoa cúc. Biết là vậy, nhưng mang tiếng là xóm bông mà ngồi chơi chờ Tết đến không có hoa bán là buồn chết. Hy vọng không còn đợt lũ nào nữa để những chậu hoa trồng muộn được phát triển tốt, kịp ra hoa dịp Tết này”.
Mất 500 chậu thược dược và cúc mâm xôi Nhật Bản, nhưng anh Trịnh Minh Ánh cũng may mắn còn được khoảng 200 cây giống thược dược, nhờ được trồng ở nơi cao nên vẫn còn sống. Mấy ngày nay, hai vợ chồng anh nhổ bỏ những chậu hoa bị ngập nước chết để trồng mới những chậu thược dược, hy vọng có hoa bán Tết, vớt vát được phần nào. Anh Ánh tâm sự: “Lâu nay trồng cúc là chính, giờ trồng lại thì không kịp nữa rồi. Nhiều người trồng hoa ở Vĩnh Liêm giờ cũng muốn trồng những loại hoa ngắn ngày như: cẩm chướng, thược dược, vạn thọ… để Tết có hoa đem bán cho đỡ buồn, nhưng ngặt nỗi không có giống ”.
NGUYỄN PHÚC
Người nông dân lúc nào cũng cam chịu, dù biết đầy rẫy những Khó khăn nhưng vẫn biết vượt qua. Chính vì vậy bản chất người nông dân vốn hiền lành, chất phát, thật thà giờ lại chịu đựng không biết phải cầu cứu ai, phải nhờ ai giúp đỡ để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn mà nguyên nhân là do những " Ông Trời Con" đã gây ra.