Cho tiếng cồng ngân vang, tiếng chiêng rộn ràng
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục trao tặng 14 bộ cồng chiêng cho 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trong tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của nhiều thầy cô và học sinh.
Hôm trao tặng cồng chiêng cho các em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thân tình nhắn nhủ: Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là trong vấn đề gìn giữ và phát huy di sản. Việc trao tặng cồng chiêng cho các làng như vừa qua là quan tâm và đáp ứng. Tôi rất vui khi biết thầy cô và các em có nguyện vọng có thêm nhiều bộ cồng chiêng để luyện tập, để chơi thành thạo cồng chiêng. Tôi rất mong quà tặng của tỉnh sẽ giúp việc trao truyền văn hóa cồng chiêng có thêm động lực mới.
Học sinh Trường PTDTNT THPT Bình Định biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong buổi lễ trao cồng chiêng.
Trao truyền để tiếp nối
Thật vậy, không phải đến khi Ban Dân tộc tỉnh trao tặng cồng chiêng cho các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú, thì việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong lứa tuổi học sinh mới bắt đầu được quan tâm. Nhiều năm trước, từ nhiều sự hỗ trợ, nhiều trường cũng đã xây dựng nhà truyền thống, thành lập CLB cồng chiêng và mời nghệ nhân đến luyện tập cho các em.
Với tình yêu cồng chiêng và niềm vui khi trường nhận được bộ cồng chiêng mới, hai học sinh khá, giỏi của Trường THCS bán trú Canh Thuận là Ðinh Xuân Trung và Ðoàn Quốc Huỳnh đã thực hiện đề tài “Giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc Chăm H’roi ở xã Canh Thuận”. Em Ðoàn Quốc Huỳnh chia sẻ: Chúng em là người Chăm H’roi, từ lâu chúng em đã được cha ông biểu diễn và chỉ dạy về văn hóa cồng chiêng. Âm thanh của cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng em nên em muốn tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình nhiều hơn. Tuy phạm vi nghiên cứu đề tài của chúng em hẹp nhưng chúng em hy vọng mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh có thể thấy được giá trị to lớn của loại hình văn hóa cồng chiêng, biết được cách tập luyện hiệu quả từ đó cùng chung tay góp sức bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người ở huyện Vân Canh.
Trường PTDTNT THCS&THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) là một điểm sáng trong việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng cho học sinh. Năm học nào trường cũng mời nghệ nhân như Yang Danh, Đinh Y Nam, Đinh Chương… đến giảng dạy, luyện tập đánh cồng chiêng và múa xoang cho các em. Nhiều người còn đùa CLB cồng chiêng của trường là con ruột của nghệ nhân Yang Danh, do đó đội cồng chiêng của trường có khá lên hay không người ta thường “hỏi chuyện” nghệ nhân Yang Danh. Cứ thế, từ sự quan tâm của nhà trường và sự sẵn lòng của các nghệ nhân, mỗi lần diễn ra liên hoan cồng chiêng ở huyện Vĩnh Thạnh hay cấp tỉnh, Trường PTDTNT THCS&THPT Vĩnh Thạnh luôn góp mặt với những tiết mục xuất sắc.
Ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT Vĩnh Thạnh, cho biết: “Định kỳ hằng năm trường đều tổ chức liên hoan múa cồng chiêng và hội diễn văn nghệ cho học sinh. Việc đưa cồng chiêng vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là giúp học sinh thêm yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng”.
Không chỉ ở Vĩnh Thạnh, khi tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn để liên hệ tìm hiểu về hoạt động giáo dục, thầy Nguyễn Kim Huynh, phó Hiệu trưởng nhà trường, khoe: Dù mỗi khi luyện tập cho học sinh, trường phải mượn cồng chiêng của các nghệ nhân trong làng, học sinh không được luyện tập thường xuyên nhưng trường vẫn có đội cồng chiêng. Các em đã có thể biểu diễn khá tốt ở các hội thi, hội diễn. Được tỉnh tặng cồng chiêng, ai cũng phấn khởi!
Nghệ nhân Đinh Kim (làng Kon Tơ Lơk, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh - bên trái) đang dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên trong làng.
Chắp cánh ước mơ
Ngày Ban Dân tộc tỉnh trao cồng chiêng cho các trường PTDTNT, bán trú tại Trường PTDTNT THPT Bình Định, nơi này như có hội lớn, những người đại diện đơn vị đi nhận cồng chiêng không thể giấu được niềm vui.
Ông Trần Duy Khá, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh), hồ hởi: “Chúng tôi thống nhất rồi, sẽ không sử dụng ngay mà phải làm lễ rước như phong tục truyền thống của đồng bào địa phương. Chúng tôi sẽ thành lập CLB cồng chiêng Bana và CLB cồng chiêng Chăm H’roi, đồng thời mời nghệ nhân về luyện tập cho các em. Thật quý hóa, nhờ bộ cồng chiêng mà ước mong bao lâu nay của trường thành hiện thực”. Còn thầy Trương Xuân Tú, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT Vân Canh (huyện Vân Canh), vui mừng: Được tỉnh quan tâm, hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa, chúng tôi hết sức trân trọng. Không chỉ nhà trường mà cả cha mẹ các em cũng rất bất ngờ và phấn khởi. Không ai nghĩ nhà nước lại quan tâm sâu sát đến mức “tặng cồng chiêng riêng cho mấy đứa nhỏ” như thế. Trường sẽ đưa cồng chiêng vào nhà truyền thống, ban hành quy chế sử dụng, thành lập CLB và mời nghệ nhân để luyện tập cho các em.
Tôi đến thăm Trường THCS bán trú Canh Thuận, các em học sinh vui vẻ nô đùa, có một nhóm các bạn dùng vở giả cồng chiêng mà chơi. Có em giới thiệu, cách đánh cồng chiêng thật cũng như đánh vở vậy, khi đánh người ta thường đi vòng tròn. Chúng em tập sẵn để đến khi thầy rước cồng chiêng của tỉnh về là có thể trình tấu được luôn.
Em Đinh Young Hun, học sinh lớp 12A3, Trường PTDTNT THPT Bình Định, bày tỏ: Em biết đánh cồng chiêng hồi lớp 11, các bok trong làng đã dạy em khi em đi học về. Ở làng có sẵn cồng chiêng để tập, đến trường thì bất tiện hơn. Nay có sẵn cồng chiêng ở trường, chúng em sẽ có thêm điều kiện để luyện tập. Em và bạn bè đang rủ nhau tập chơi cồng chiêng thật hay để sắp tới khi có dịp sẽ mang cồng chiêng giao lưu văn nghệ, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với các bạn ở thành phố.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bana Kriem Yang Danh, cho biết: Đây là lần đầu tiên người Bana Kriem nói riêng và dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định nói chung được tặng nhiều cồng chiêng đến thế, đặc biệt là tặng cồng chiêng cho học sinh. Chúng tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình phải phối hợp với nhà trường để trao truyền cho các cháu đạt hiệu quả nhất. Tôi đang mong tới ngày cồng chiêng không chỉ âm vang ở núi rừng, làng bản mà còn rộn ràng ở thành phố. Chúng tôi muốn báo cáo với Đảng - Nhà nước: Quà tặng của Đảng - Nhà nước đã mang lại niềm vui lan tỏa rộng như thế này đây!
THẢO KHUY - XUÂN DŨNG