Bệnh viện đi đòi... “nợ”
Sắp bước sang năm 2020, nhưng các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được thanh toán khoản chi vượt cho khám chữa bệnh BHYT trong năm 2018. Trong khi đó, cơ chế giao dự toán, thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện năm 2019 khiến bệnh viện gặp cảnh khó chồng khó.
Không có tiền để trả lương!
Năm 2018, tổng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại BVĐK tỉnh được BHXH tỉnh thẩm định và đề nghị thanh toán là hơn 499 tỷ đồng; trong đó khoản vượt dự toán là hơn 84,9 tỷ đồng (trong tổng số 125,923 tỷ đồng chi vượt toàn tỉnh). Tuy nhiên, đến giờ khoản chi vượt này vẫn chưa được thanh toán.
Đến thời điểm này, các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh chưa được thanh toán số chi vượt BHYT năm 2018.
Năm 2019, cơ quan BHXH giao quỹ dự toán KCB BHYT cho BVĐK tỉnh 458,729 tỷ đồng, thấp hơn số thực chi năm 2018 (đã được thẩm định) hơn 40 tỷ đồng. Bác sĩ Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến của BVĐK tỉnh, cho biết: “Điều 24, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB đã được thẩm định… Việc giao quỹ dự toán năm 2019 thấp hơn tổng chi phí KCB BHYT tại bệnh viện đề nghị cơ quan BHXH tỉnh thanh toán trong năm 2018 là chưa phù hợp”.
UBND tỉnh đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đề nghị thanh toán kinh phí vượt dự toán chi KCB BHYT năm 2018 và kinh phí phẫu thuật gây tê. Ðồng thời, đề nghị Bộ Y tế xem xét, phối hợp BHXH Việt Nam thống nhất hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT để Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở thực hiện.
Ðây là kiến nghị thứ 2 đối với các cơ quan Trung ương liên quan đến KCB BHYT, lần đầu kiến nghị vào tháng 8.2019.
Không chỉ điều trị cho bệnh nhân trong tỉnh, BVĐK tỉnh còn thu dung, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh viện có 1.110 giường bệnh kế hoạch, thực kê lên 1.460 giường, nhưng lượt bệnh nhân nội trú luôn dao động từ 1.550 - 1.700 lượt/ngày. “Ngoài các khoa có giường hồi sức dành cho bệnh nhân nặng chỉ được nằm 1 người/giường, hầu hết các khoa còn lại đều phải xếp bệnh nhân nằm ghép đôi, tiền giường chỉ được thanh toán 50% cho mỗi bệnh nhân dù các chi phí chăm sóc, điều trị, điện, nước… và hao phí khác đều tăng gấp 2 lần. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, tổng chi phí đa tuyến đến của bệnh nhân ngoại tỉnh là 50,958 tỷ đồng - đây là nguyên nhân lớn gây vượt dự toán tại bệnh viện”, ông Thế cho hay.
Chưa hết, trong năm 2018 và năm 2019, căn cứ công văn của BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BYT, cơ quan BHXH chưa chấp nhận thanh toán các dịch vụ kỹ thuật có cơ cấu gây mê nhưng thực hiện bằng phương pháp gây tê tại bệnh viện. Cụ thể, năm 2018, BHXH trừ số tiền chênh lệch giữa chi phí gây mê và gây tê đối với bệnh viện, xuất toán hơn 4,9 tỷ đồng. Nhưng năm 2019, riêng khoản này BVĐK tỉnh tạm tính bị “treo” khoảng 25 tỷ đồng.
Áp lực lớn cho bệnh viện
Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ tỏ ra bức xúc: “Bất cập trên đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn kinh phí hoạt động KCB và gây mất cân đối thu chi, đặc biệt đây là giai đoạn bệnh viện thực hiện tự chủ về tài chính. BVĐK tỉnh đề nghị cơ quan BHXH xem xét giải quyết kịp thời số tiền vượt dự toán BHYT năm 2018. Bởi, số tiền trên quá lớn, bệnh viện không có tiền để trả lương, chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên và rất nhiều khoản chi khác ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ KCB”.
Điểm bất cập này càng lớn khi các cơ sở KCB đều “sống” nhờ vào BHYT. Tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, khoản vượt dự toán 2018 là hơn 6 tỷ đồng, nếu không có “của để dành” đắp vào sẽ rất khó. Càng khó hơn với các cơ sở KCB tư nhân như BVĐK Hòa Bình, bởi phải đi vay ngoài để hoạt động!
BHXH tỉnh cũng rất sốt ruột!
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Năm cho biết, năm 2019, Chính phủ giao dự toán chi KCB BHYT cho từng địa phương, Bình Ðịnh được giao 1.259 tỷ đồng, cao hơn so với số thu quỹ BHYT của tỉnh, nhưng thấp hơn số chi thực tế KCB BHYT của tỉnh năm 2018. Về số chi vượt năm 2018 của 19/32 cơ sở KCB BHYT, BHXH tỉnh đã thẩm định, trình BHXH Việt Nam và chờ quyết định từ Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. “Không riêng cơ sở KCB, cơ quan BHXH tỉnh cũng rất sốt ruột!”, ông Năm chia sẻ.
Sau một loạt khó khăn, ngày 13.12.2019, BVĐK tỉnh đã báo cáo lên Sở Y tế, UBND tỉnh, Bộ Y tế có ý kiến can thiệp với cơ quan BHXH thanh toán các chi phí còn “treo”. Đồng thời cho phép bệnh viện được thu viện phí trực tiếp bệnh nhân ngoại tỉnh, sau đó bệnh nhân sẽ thanh toán lại tại cơ quan BHXH của tỉnh mình, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, theo quy định tại Điều 32, Luật BHYT, số vượt dự toán KCB BHYT năm 2018 (đã được xác định nguyên nhân khách quan), việc thẩm định quyết toán năm đối với Quỹ BHYT và thanh toán phải thực hiện trước ngày 1.10.2019. Việc chậm thanh toán, chưa thanh toán các khoản chi KCB BHYT lớn của cơ quan BHXH gây áp lực, khó khăn rất lớn cho các bệnh viện công lập của tỉnh (đặc biệt BVĐK tỉnh hơn 115 tỷ đồng), nhất là khi các bệnh viện phải thực hiện tự chủ chi lương, phụ cấp, tiến đến tự chủ chi thường xuyên, phải thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế đúng hạn cho các đơn vị cung ứng theo hợp đồng…
THU HIỀN