Thu hút vốn FDI: Tháo gỡ vướng mắc để phát huy tiềm năng
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc thu hút vốn FDI vào Bình Ðịnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Chưa có nhiều dự án FDI quy mô lớn
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở KH&ĐT), trong năm 2019, toàn tỉnh thu hút được 6 dự án FDI, với tổng vốn hơn 80 triệu USD. Trong đó, nổi bật là Dự án Nhà máy Điện mặt trời QNY, vốn đầu tư gần 70 triệu USD, do Công ty Năng lượng QN (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope, vốn đầu tư gần 5 triệu USD; Dự án Nhà máy chế biến gỗ Wesbrook Việt Nam do Công ty Wesbrook Limited (trụ sở tại British Virgin Island) đăng ký, vốn đầu tư 2,5 triệu USD…
Các nhà đầu tư Nhật Bản tham quan dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một DN trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 80 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 709 triệu USD. Trong đó, có 32 dự án đầu tư trong phạm vi Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 485 triệu USD. Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, cho biết: Mặc dù có nhiều nỗ lực trong mời gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng khách quan nhìn nhận, tỉnh vẫn chưa thu hút nhiều dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại để làm “đầu tàu” thúc đẩy và tạo vệ tinh thu hút những dự án khác. Nguyên nhân chính là tỉnh nằm ở xa 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều kiện hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền, chi phí vận tải hàng hóa còn cao. Cơ chế cho thuê đất phải thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu với hàng loạt thủ tục đã gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các dự án đầu tư.
Tháo gỡ vướng mắc
Xác định tầm quan trọng của vốn FDI, nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế được UBND tỉnh tập trung triển khai.
Hiện, các công trình giao thông trọng điểm như tuyến đường phía Tây tỉnh nối Trung tâm TP Quy Nhơn với Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex Bình Định (Vân Canh), tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát, tuyến QL 19 mới nối cảng quốc tế Quy Nhơn với QL 1, hoặc tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Tam Quan, cùng hàng loạt các dự án trọng điểm khác sẽ tạo ra quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và các khu dân cư đô thị. Cùng với đó là việc các hãng hàng không tăng cường các tuyến bay nội địa và sắp tới sẽ mở các tuyến bay quốc tế thì việc thu hút đầu tư FDI được thuận lợi hơn và hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khả quan hơn.
Hạ tầng giao thông tại Khu công nghiệp A thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.
Nhiều giải pháp sẽ được tỉnh tiếp tục đưa ra để ngày càng hoàn thiện chính sách thu hút và xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh của DN. Thực hiện tốt mô hình một cửa tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa các kênh vận động, xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín lớn trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh, Giám đốc Sở KH&ĐT, khẳng định: “Với sự quyết tâm và nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chắc chắn việc thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian đến sẽ được cải thiện đáng kể”.
GIA NGUYỄN