Gắn kết để nâng giá trị sản phẩm địa phương
Trong năm 2019, toàn tỉnh có 7 sản phẩm đặc trưng của địa phương đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (3 nhãn hiệu) và nhãn hiệu chứng nhận (4 nhãn hiệu). Các sản phẩm có nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng khi đưa ra thị trường đã tạo sự tin cậy với người tiêu dùng. Trong đó, có những sản phẩm của làng nghề truyền thống đứng trước nhiều khó khăn, nên gắn kết để cùng phát triển là cách những nghệ nhân chọn làm và cho kết quả khả quan.
Ở làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (TX An Nhơn), sau lễ công bố sản phẩm “Gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu An Nhơn - Bình Định” vào tháng 7.2019, 22 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh của làng nghề được phép sử dụng nhãn hiệu này luôn tuân thủ các quy định trong sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín sản phẩm. Nhờ vậy, trong năm qua, sản phẩm làng nghề được tiêu thụ nhiều hơn trong nước.
Hai nông dân trồng bưởi ở huyện Hoài Ân vui mừng khi sản phẩm được bảo hộ độc quyền.
Huyện Hoài Ân tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” và nhãn hiệu chứng nhận “Trà Gò Loi” với sự có mặt của 90 hộ nông dân, được đánh dấu là cột mốc quan trọng để đưa các sản phẩm đi xa. Sau đó, một số DN tại địa phương đã lên kế hoạch xây dựng những vùng sản xuất bưởi hữu cơ. Ông Nguyễn Hoài Thương, Giám đốc HTX 19.4 (huyện Hoài Ân) cho biết, các hộ trồng bưởi đã đồng lòng theo mô hình sản xuất hữu cơ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Trong khi đó, tại Phù Cát, một cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết mình đã không còn bị lắc đầu từ chối khi đi vận động các hộ sản xuất nước mắm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của riêng mình, trên cơ sở nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi” chung mà huyện sở hữu. Ngược lại, một số hộ tự nguyện đến xin đăng ký nhãn hiệu riêng. Điều này là nhờ nhãn hiệu nước mắm riêng đầu tiên của cơ sở Thái An tiêu thụ khá ổn định trên thị trường, tạo động lực khuyến khích các hộ sản xuất nước mắm khác học hỏi, làm theo.
Ý thức phải đầu tư xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững đang dần hình thành, tạo chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của từng nông dân, hộ sản xuất, DN. Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) lưu ý, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mỗi hộ sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ những điều kiện ràng buộc về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, quy định về sử dụng tem nhãn được ban hành; các HTX, DN nỗ lực kiểm soát nội bộ để đảm bảo chất lượng chung sản phẩm đưa ra thị trường.
NGỌC NGA