Phòng chống thiên tai ở huyện An Lão: Hiệu quả từ phương châm “4 tại chỗ”
Việc chủ động PCTT&TKCN hàng năm theo phương châm “4 tại chỗ” được huyện miền núi An Lão đặc biệt chú trọng, triển khai hiệu quả.
Lực lượng xung kích giúp người dân xã An Hòa khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 5 vừa qua gây ra.
Ông Đỗ Đình Biểu - Trưởng Phòng NN&PTNT, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, cho biết: Đầu năm 2019, huyện An Lão gặp hạn hán gay gắt, khiến hàng trăm hecta lúa, hoa màu bị mất trắng và giảm năng suất đáng kể. Còn 2 cơn bão số 5 và số 6 xảy ra hồi tháng 10 - 11.2019 cũng làm huyện thiệt hại về cơ sở hạ tầng lên đến hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy vậy, sau khi hạn hán, bão, lũ đi qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Xã An Hòa vào mùa mưa bão có nhiều thôn, xóm thường bị ngập lụt và nước lũ chia cắt nên địa phương này đã chủ động cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến các tình huống và cách xử lý phù hợp với điều kiện của địa phương. Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho hay: “Khi có sự cố thiên tai, trên cơ sở phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, xã xác định được số lượng hộ gia đình và thời điểm có khả năng bị ngập lụt hoặc lũ quét, kịp thời huy động lực lượng giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn”.
Trong năm 2019, ngoài lực lượng ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, huyện An Lão còn thành lập 2 tổ xung kích, mỗi tổ 50 người để chủ động ứng phó với các tình huống do tác động của dự án Hồ chứa nước Đồng Mít đang giai đoạn thi công. Ngoài ra, huyện cũng đã thành lập 1 đội thanh niên xung kích 15 người và 1 trung đội dân quân cơ động để ứng cứu trong các tình huống cấp thiết. Riêng tại các xã, thị trấn cũng đã thành lập các đội xung kích từ 15 - 20 người thường trực 24/24 giờ tại trụ sở xã để chủ động ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, huyện cũng đã kịp thời cấp phát các dụng cụ, phương tiện phòng chống thiên tai xuống cơ sở; lập danh sách mời các DN, cá nhân có máy đào, máy ủi, máy cưa, xe ô tô và các phương tiện khác sẵn sàng tham gia khắc phục các sự cố công trình bị sạt lở, di chuyển người dân và tài sản đến nơi an toàn. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống chủ động cung ứng cho người dân vùng có khả năng bị cô lập do lũ lụt, sạt lở đất trong thời gian dài.
Ông Đỗ Đình Biểu cho biết thêm: “Công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” được huyện triển khai rất sớm đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ công tác “4 tại chỗ”, lấy địa bàn thôn, xóm làm cơ sở để ứng phó với thiên tai. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia PCTT, không trông chờ ỷ lại vào cấp trên, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”.
HOÀNG NAM QUỐC