Không nên chủ quan với bệnh viêm tắc mạch chi
Viêm tắc mạch chi là tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch chậu, đùi, kheo, cẳng và bàn chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch. Bệnh này dễ nhầm lẫn với bệnh thoái hóa khớp mạn tính.
Dấu hiệu ban đầu của viêm tắc mạch chi là người bệnh cảm thấy hạn chế hoặc suy giảm vận động thể lực ở các mức độ khác nhau như mệt, tê, đau chi dưới. Hiện tượng đau thường xuất hiện ở bắp chân, đùi, háng, mông, thậm chí có những trường hợp chỉ cảm thấy đau khi gắng sức đi ở đường mấp mô, leo cầu thang. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, hút thuốc lá nhiều… Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này, nhất là người nghiện thuốc lá hoặc có chế độ ăn nhiều mỡ.
Bác sĩ CKII Bành Quang Khải (BVĐK TP Quy Nhơn) cho biết: “Trung bình mỗi năm tại khoa Nội của bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 50 bệnh nhân bị viêm tắc động mạch chi. Đáng nói là khá nhiều bệnh nhân trước khi đến bệnh viện đã tự điều trị bằng cách đắp thuốc, chườm nóng, tự mua thuốc điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc đắp thuốc không làm giảm cơn đau mà ngược lại có thể gây lở loét, nhiễm trùng và vết thương sẽ rất khó lành. Ngoài ra, việc nhập viện muộn sẽ khiến cho khả năng hồi phục kém, thậm chí phải cắt cụt chi”.
Bác sĩ Khải lưu ý người bệnh nên bỏ thuốc lá, điều trị đúng cách, tái khám thường xuyên và định kỳ siêu âm Doppler màu động mạch để đánh giá tiến triển. Bên cạnh đó, cần có chế độ vận động và nghỉ ngơi hợp lý, tập đi bộ, tránh ngồi một chỗ hoặc đứng quá lâu; ăn nhiều rau quả, chất xơ và hạn chế chất béo.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)