Cần xóa hơn 4.000 lối cắt đường sắt
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết cả nước hiện có 5.580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở.
Một vụ tai nạn đường sắt. (Ảnh: minh họa)
Trong đó, 11 tháng năm 2019 xảy ra 234 vụ tai nạn đường sắt làm chết 105 người, có đến 45% số vụ xảy ra tại các đường ngang này.
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt theo Nghị định 65/2018 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đề nghị các cơ quan chức năng, ngành đường sắt và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là ở cấp cơ sở như doanh nghiệp, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, cấp xã - huyện.
Theo đó, năm 2020, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch xóa lối đi tự mở và chương trình hành động bảo đảm ATGT đường sắt. Bám sát kế hoạch, chương trình của Ủy ban ATGT quốc gia, nhất là đề án xử lý lối đi tự mở để có lộ trình, danh mục ưu tiên thực hiện. Cùng với nguồn vốn của trung ương, địa phương cũng phải có kế hoạch vốn và chủ động nguồn lực để trước năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, theo mục tiêu Nghị định 65.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng Ban An ninh - An toàn đường sắt của VNR cho biết để thực hiện mục tiêu xóa lối đi dân sinh tự mở, Luật Đường sắt năm 2017 và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, đã phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm ATGT đường sắt.
Theo đó, việc bảo đảm ATGT chung và ATGT tại các đường ngang hợp pháp là trách nhiệm của ngành giao thông đường sắt, còn việc bảo đảm ATGT tại các lối đi tự mở thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, khó khăn nhất là vấn đề tài chính; thứ hai là làm sao phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quản lý, xử lý các lối đi tự mở vì nếu chính quyền địa phương không kiên quyết thì rất khó thực hiện.
Được biết, VNR đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2020-2025 để làm hàng rào, đường gom nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở.
Về phía địa phương, ông Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định, cho biết từ năm 2015 đến nay, địa phương đã rào chắn được hơn 100 lối đi tự mở, đồng thời cắm biển "chú ý tàu hỏa" tại những nơi có nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt lớn nhất. "Phải chọn lựa những vị trí cần thiết nhất để làm vì tiền không có nhiều" - ông Đông nói.
Còn ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Pháp chế - An toàn Sở GTVT tỉnh Hải Dương, thì cho rằng từ năm 2013, UBND tỉnh đã có văn bản giao chính quyền các huyện, xã lập hồ sơ quản lý đối với từng lối đi tự mở. Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm lối đi tự mở. Tuy nhiên, việc xóa bỏ lối đi tự mở vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí bởi theo Luật Đường sắt, kinh phí này do địa phương tự chịu.
Theo NLĐ