Niềm vui từ những cây cầu mới
Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng niềm mơ ước có một cây cầu kiên cố của bà con ở các thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn; Cảnh An 2, xã Phước Thành và Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã thành hiện thực.
Cầu Huỳnh Đông mang lại niềm vui cho nhân dân xã Phước Hòa.
Cầu Huỳnh Đông cũ thuộc thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa) dài 72 m, rộng 1,5 m bắc qua một khúc sông Tân Đề được làm tạm bằng gỗ. Đây là cây cầu độc đạo đưa người dân thôn Huỳnh Giản Nam ra với thế giới bên ngoài, tần suất lưu thông rất cao.
Ông Nguyễn Tấn Vinh ở xóm Huỳnh Đông, thôn Huỳnh Giản Nam, người có nhà ở nằm sát chân cầu kể: Trước đây rất nhiều lần tôi lái xe dùm nhiều người qua cầu, vì họ ở nơi khác đến, không dám lái xe qua. Sợ là đúng, dân địa phương mà yếu tay lái còn té xuống nước nữa là. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp tử vong khi té như thế nên khi biết Nhà nước sẽ làm cầu, tôi là một trong số những người vui nhất vì từ nay tôi sẽ không còn thấy những cảnh thương tâm như thế nữa.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng thôn Huỳnh Giản Nam, xác nhận: Cứ đến mùa mưa lũ là cầu bị cuốn trôi, cầu tạm mà. Vùng này thành ốc đảo, các cháu học sinh muốn đến lớp buộc phải đi đò. Hết mưa lũ, chính quyền cùng nhân dân cùng nhau làm lại cầu để đi, cũng khoảng 300 - 400 triệu đồng chứ không ít đâu. Nay thì thôi, không ai không mừng vui.
Cuối tháng 1.2019, Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh và các đơn vị liên quan cho khởi công xây cầu Huỳnh Đông mới. Cầu dài 77 m, rộng 4 m, gồm 3 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng kinh phí xây dựng gần 8,2 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ trong khuôn khổ Dự án LRAMP. Từ khi cầu đưa vào sử dụng, việc lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thôn Huỳnh Giản Nam nói riêng, người dân xã Phước Hòa nói chung vô cùng thuận lợi.
Một cây cầu khác cũng được xây dựng mới trong năm 2019 từ Dự án LRAMP là cầu Phước Thành bắc qua sông Hà Thanh nối liền 2 thôn Mỹ Lợi và Cảnh An 2.
Cầu Phước Thành nhìn từ phía thôn Cảnh An 2.
Cầu dài gần 204 m, rộng 4 m, gồm 6 nhịp bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng kinh phí xây dựng cầu gần 15 tỷ đồng. Hiện các công nhân của Công ty CP Xây dựng Đại Thành đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đưa cầu vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Đứng chỉ tay về phía cây cầu mới, không giấu được niềm vui, bà Trần Thị Mai (90 tuổi, ở thôn Cảnh An 2), cho biết: “Tôi sống đến chừng này tuổi, sau ngày giải phóng thì đây là chuyện vui nhất ở thôn này. Hai thôn Mỹ Lợi và Cảnh An 2 có nhu cầu giao thông qua lại khúc sông này rất lớn, chỉ cách nhau gần 200 m nhưng cứ đến mùa mưa là cả một nỗi cơ cực lớn. Khổ nhất là mấy đứa nhỏ, thay vì 200 m tụi nó phải đi đường vòng đến gần 10 km mới tới trường”.
Còn với ông Trương Văn Lý, một người dân ở bên bờ thôn Mỹ Lợi, chia sẻ: Cây cầu mới không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân đi lại mà còn giúp nông sản làm ra có thể vận chuyển đến nơi bán thuận lợi. Công nhân ở xã Phước Thành qua sông đi làm việc tại Khu công nghiệp Long Mỹ ở địa phương sẽ được gần hơn, đời sống bà con rồi đây sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Có thể khẳng định, các công trình xây dựng cầu dân sinh đã, đang tăng tính kết nối liên vùng đồng bộ giữa các khu vực lân cận và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, phát huy hiệu quả của chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và nhất là phát triển văn hóa, xã hội cho các vùng nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.
XUÂN VINH