“Thôn Ðoài” là thôn nào?
Trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính có hai địa danh được nhắc đến là “thôn Đoài” và “thôn Đông” (Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?). Ngoài câu thơ của Nguyễn Bính, ta còn gặp điều này trong nhiều câu ca dao, thành ngữ khác, như: Làm trai cho đáng lên trai/ Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài tan (an/yên). Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc “thôn Đoài” là thôn nào?
“Đoài” là một quẻ trong “bát quái”, gồm tám quẻ là càn, khảm, chấn, cấn, tốn, ly, khôn và đoài. Quẻ “đoài” ứng với hướng tây (chính tây) nên người ta thường gọi hướng tây là hướng đoài. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du nhiều lần gọi “đoài” thay cho “tây”, như trong các câu: Trông ra ác [mặt trời] đã ngậm gương non đoài [ngọn núi phía tây]; Ngoài hiên thỏ [mặt trăng] đã non đoài ngậm gương.
Ngày trước, việc đặt tên xóm, thôn, làng khá đơn giản, thường đặt theo hướng, ví dụ: thôn Thượng, thôn Hạ, xóm Đông, xóm Đoài, làng Nam, làng Bắc… Vùng Sơn Tây rộng lớn trước đây tục gọi là “xứ Đoài”, một trong “tứ trấn” của Thăng Long (cùng với xứ Đông, xứ Sơn Nam, xứ Kinh Bắc). Tên gọi “xứ Đoài” vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đây còn là nơi gắn với nhiều kỷ niệm của nhà thơ Quang Dũng và trở thành một địa danh mang nhiều hoài niệm trong thơ ông: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm… (bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây). Ông cũng được mệnh danh là “nhà thơ tài hoa của xứ Đoài”.
Hiện nay, đặt tên theo phương hướng của địa phương là một trong những phương thức định danh phổ biến ở nước ta. Mô hình tên địa phương + Bắc/Nam/Tây/Đông/Thượng/Hạ/Trung xuất hiện khá nhiều trong địa danh ở nhiều nơi trong cả nước. Ở Bình Định ta, các địa danh Hoài Châu Bắc, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam được định danh theo phương thức này.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ