Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Khó đảm bảo lộ trình!
Theo quy định Luật Thủy sản, 3.300 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.4.2020. Dù ngành Thủy sản nỗ lực tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện, nhưng khó đảm bảo lộ trình đối với nhóm tàu làm nghề câu cá ngừ và lưới kéo.
Ngư dân tại TP Quy Nhơn kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị GSHT trên tàu cá chuẩn bị ra khơi.
Để thực hiện tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá theo quy định, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác phối hợp các địa phương ven biển và 2 đơn vị cung cấp thiết bị GSHT (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam - VISHIPEL) trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, lắp đặt thiết bị cho ngư dân.
Nhiều tàu cá đã lắp thiết bị
Nhờ được tuyên truyền, nhiều chủ tàu cá chủ động hợp đồng với các đơn vị được công bố thiết bị đạt chuẩn để lắp đặt. Ngư dân Nguyễn Theo (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) - chủ 2 tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 97645-TS, BĐ 96460-TS, cho biết: “Theo quy định, tàu cá không trang bị máy GSHT theo lộ trình sẽ không được ra khơi, nên chuyến biển vừa rồi 2 tàu của tôi về bờ đã được cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (thuộc VISHIPEL) lắp thiết bị GSHT Vifish.18”.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU tỉnh Bình Ðịnh, diễn ra cuối tháng 11.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Việc thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá không chỉ đảm bảo quy định Luật Thủy sản, mà còn góp phần quan trọng thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản, giúp cơ quan chức năng theo dõi, hỗ trợ ngư dân đánh bắt an toàn, hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện ven biển và TP Quy Nhơn tích cực triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá cho ngư dân, đảm bảo đúng lộ trình và phải có quy định sử dụng, xử lý nghiêm trường hợp không bật thiết bị GSHT khi ra khơi”.
Còn ngư dân Lê Văn Cu (phường Đống Đa, Quy Nhơn) - chủ tàu cá BĐ 91347-TS, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho hay: “Theo quy định, tàu của tôi vẫn chưa đến hạn lắp đặt thiết bị GSHT. Nhưng, trước sau cũng phải lắp, ngay khi có thông tin công bố thiết bị GSHT đạt chuẩn, tôi đã hợp đồng để mua và lắp đặt thiết bị Vifish.18”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, đơn vị đã xin ý kiến của công ty tăng cường cán bộ kỹ thuật vào Bình Định hỗ trợ đến từng địa bàn để lắp thiết bị cho ngư dân. Dự kiến cuối năm nay, đơn vị sẽ lắp khoảng 500 thiết bị GSHT Vifish.18 cho các chủ tàu cá ở Bình Định.
VNPT Bình Định cũng đang tích cực lắp thiết bị GSHT Thuraya SF250 cho ngư dân trong tỉnh. Giám đốc VNPT Bình Định Nguyễn Quang Khải thông tin, khoảng 200 chủ tàu cá trong tỉnh đăng ký lắp thiết bị, đến nay đơn vị mới lắp hơn 70 thiết bị do các tàu cá đang khai thác thủy sản chưa về bờ.
Cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn.
Khó đảm bảo tiến độ
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 69 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên được lắp đặt thiết bị GSHT đảm bảo lộ trình trước ngày 1.7.2019; 617/3.231 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m đã được lắp đặt thiết bị GSHT (381 tàu cá làm nghề câu cá ngừ đại dương và lưới kéo, 236 tàu cá làm nghề khác). Đáng chú ý, 2.614 tàu đang chờ lắp đặt; trong đó, 1.197 tàu cá làm nghề câu cá ngừ đại dương và lưới kéo, 1.417 tàu cá làm nghề khác. Trong khi đó, thời hạn quy định lắp đặt thiết bị GSHT còn ngắn, khó đảm bảo hoàn thành đối với nhóm tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới kéo.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Công tác triển khai lắp đặt thiết bị GSHT gặp nhiều khó khăn do Tổng cục Thủy sản chậm công bố thiết bị đạt chuẩn - tháng 9.2019. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 này, số lượng tàu cá đăng ký lắp đặt nhiều, “quá tải” cho các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị, bởi chưa chủ động được nhu cầu của ngư dân và thiết bị phải nhập từ nước ngoài. Nhiều chủ tàu đã đăng ký nhưng chưa được lắp, “sốt ruột” lại ra khơi, khả năng về bờ sau ngày 1.1.2020 mới lắp thiết bị. “Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân tiến hành lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tàu cá, kiên quyết không cho tàu cá chưa lắp thiết bị ra khơi”, ông Tâm nhấn mạnh.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN