PHÁT TRIỂN KHOA HỌC DỮ LIỆU VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO:
Bắt đầu với đào tạo nhân lực
Ðào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển lĩnh vực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại TP Quy Nhơn trở thành vấn đề “nóng” được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, “mổ xẻ” tại hội thảo về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo do Trường ÐH Quy Nhơn tổ chức ngày 22.12.
Đại diện Công ty FPT Software đến thăm Trường ĐH Quy Nhơn.
TS Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ nhân tạo của Công ty FPT Software khẳng định, lĩnh vực Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI) không quá cao siêu. Theo đó, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này cũng có nhiều tầng, nấc. Chính ông đã chuyển ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo thành ngôn ngữ bình dân và dạy cho học sinh THPT làm những modul về học máy (machine learning) rất cơ bản, hướng dẫn các em nghe nhạc rồi đoán xem điệu nhảy nào phù hợp với giai điệu đó, hay đo góc ánh mắt nhìn để tìm ra cách đọc đoạn văn hiệu quả nhất... “Trở thành kỹ sư về AI không đòi hỏi phải tìm ra được cái gì mới mẻ mà chỉ cần học hỏi và làm việc tốt. Kỹ sư AI tương đối mới cả trên thế giới nên điểm xuất phát giữa chúng ta và các nước không chênh lệch nhiều”, ông Phong chia sẻ.
Vậy thì đào tạo, giảng dạy về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo như thế nào? Theo TS Nguyễn Phúc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Khoa học dữ liệu sẽ biến data (dữ liệu) thành value (giá trị) thông qua nhiều bước như thu thập dữ liệu, phân loại dữ liệu, phân tích, tạo ra các mô hình rồi lựa chọn đánh giá, hiệu chỉnh để hoàn thiện mô hình; cuối cùng là sự hỗ trợ của DN để triển khai sử dụng và hoàn thiện trong môi trường ứng dụng thực tế. Theo đó, việc xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy phù hợp cho lĩnh vực này rất quan trọng.
TS Sơn dẫn chứng cụ thể: “Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật ra trường thường làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính, nên chúng tôi thiết kế hẳn cơ sở về hai lĩnh vực này nhằm cung cấp cho các em những nguyên lý cơ bản về lĩnh vực đó. Toán và thống kê có những môn khá truyền thống, nhưng không đặt nặng toán lý thuyết và độ sâu của toán”.
Ngoài chương trình giảng dạy, cách thức đào tạo cũng đóng vai trò quyết định đến kết quả của sinh viên. 3 năm qua, TS Nguyễn Hữu Tình, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã cải tạo một phòng học thành phòng thí nghiệm về lập trình, có máy tính, kệ sách cho sinh viên học tập, thực hành. Ông đưa ra đầu việc, sinh viên hứng thú thì nhận làm, làm không được thì trả lại để bạn khác thực hiện. “Quan trọng hơn cả vẫn là thái độ học tập của sinh viên. Cần kiến tạo môi trường học tập để sinh viên tự học, tự rèn luyện, phát huy sự chủ động. Thầy, cô chỉ đóng vai trò kết nối để “mượn sức” và cộng tác với chuyên gia, nhà nghiên cứu, đồng nghiệp giỏi để giúp các em học hỏi, tiến bộ”, thầy Tình cho hay.
Năm học 2019 - 2020, Trường ĐH Quy Nhơn tuyển sinh khóa đầu tiên chuyên ngành Khoa học dữ liệu (thuộc ngành Toán ứng dụng). Chia sẻ tại hội thảo, TS Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán và Thống kê khẳng định, quan điểm của khoa là đào tạo gắn với nhu cầu của DN. Trên cơ sở đó, đã thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, bước đầu triển khai nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên. Trường cũng tiếp thu chia sẻ của các chuyên gia trong ngành, kết hợp cập nhật cách thức đào tạo ở một số trường đại học trong nước và trên thế giới để bổ sung thêm một số kiến thức về Trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới, với mong muốn bám sát nhu cầu tuyển dụng của DN, giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc.
NGỌC TÚ