Vân Canh mở hướng phát triển công nghiệp
Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Trần Kim Vũ cho hay, bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện miền núi này rất quan tâm thu hút dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để mở hướng cho phát triển công nghiệp.
Tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex Bình Định với TP Quy Nhơn.
Kết thúc năm 2019, huyện Vân Canh đạt tổng giá trị sản xuất hơn 1.140 tỷ đồng, tỷ lệ 100,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản xuất nông - lâm - thủy sản 688 tỷ đồng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 363 tỷ đồng; dịch vụ 89 tỷ đồng. Đáng chú ý, địa phương này đã đầu tư 282 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... tạo nền tảng cho phát triển.
Theo ông Trần Kim Vũ, cơ cấu kinh tế của huyện đang có sự chuyển dịch đúng hướng. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, nông dân đã ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư thâm canh, nâng cao hệ số sử dụng đất, chú trọng sản xuất lương thực hàng hóa chất lượng cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng cao, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đáng ghi nhận, trên lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đã phát huy lợi thế đất lâm nghiệp, đồng cỏ rộng để phát triển kinh tế trang trại theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng. Các xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi heo rừng lai, nhím, dê lai kết hợp với trồng rừng kinh tế, trồng mì cao sản làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột tại địa phương… Nhưng, không thể dựa mãi vào lợi thế sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây, huyện Vân Canh đã quan tâm thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để phát triển sản xuất công nghiệp. Trong đó, Cụm công nghiệp Canh Vinh (60 ha) đã có 3 DN vào đầu tư sản xuất - kinh doanh, với tỷ lệ lấp đầy đạt 12,8%. Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (17 ha) đã có 5 DN đăng ký đầu tư, với tỷ lệ lấp đầy đạt 96,3%. Huyện đang trình UBND tỉnh xin mở rộng cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh tăng lên 37 ha.
Ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu mì của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm - nhà máy đặt tại làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, cho biết: “Chúng tôi đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì và xây dựng vùng nguyên liệu mì trên địa bàn huyện Vân Canh. Quá trình hoạt động tại địa phương, DN được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương. Hiện nay, nhà máy đang sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động; đồng thời đã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định hơn 300 ha trên địa bàn huyện. Mỗi hécta trồng mì hàng năm mang lại lợi nhuận cho nông dân hơn 30 triệu đồng”.
Thu mua nguyên liệu tại nhà máy chế biến tinh bột mì Nguyên Liêm.
“Những năm trước, khi chưa có DN nào đầu tư trên địa bàn huyện, tôi và nhiều bà con trong làng phải lên các tỉnh Tây Nguyên để kiếm việc làm. Bây giờ, có nhiều nhà máy đầu tư tại các cụm công nghiệp ở địa phương, mình xin vào làm công nhân, tiền lương đảm bảo trang trải được cuộc sống. Được cái, chỗ làm gần nhà nên tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở nhiều lắm”, ông Đoàn Văn Bảy (ở làng Hòn Mẻ, Canh Thuận) chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện khẳng định, có được những chuyển biến tích cực về phát triển KT-XH như hôm nay là nhờ huyện đã nhìn thấy rõ cơ hội phát triển và khai thác được những tiềm năng, lợi thế vốn có để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển. “Cơ hội để Vân Canh có thể tăng tốc phát triển kinh tế thời gian đến là Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex - Bình Định tại địa bàn xã Canh Vinh. Tỉnh cũng đã đầu tư hoàn thiện tuyến đường phía Tây tỉnh với chiều dài gần 15 km, kết nối khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ này với TP Quy Nhơn. Một tin vui nữa là Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đã quyết định liên doanh với Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex - Bình Ðịnh, với tổng diện tích 2.308 ha. Đây có thể nói là cơ hội vàng cho Vân Canh bứt phá vươn lên trong thời gian đến”, ông Trần Kim Vũ nhấn mạnh.
GIA NGUYỄN