Qua 15 năm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhiều chuyển biến tích cực
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao; góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW giúp công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh được đồng bộ, sâu rộng, đạt nhiều hiệu quả tích cực.
- Trong ảnh: Các em học sinh Trường THCS Phước Thắng (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) thi tìm hiểu pháp luật giao thông qua hình thức rung chuông vàng.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, 15 năm qua, Chỉ thị số 32-CT/TW được xem là “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Nhiều chương trình phối hợp về công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, sâu rộng với mục tiêu đưa pháp luật đến với mọi người dân.
Ngày 9.12.2003, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chỉ thị nhằm đẩy mạnh công tác PBGDPL, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế; giúp cán bộ và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, qua đó kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật.
Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, huyện được củng cố, kiện toàn; hiện Hội đồng cấp tỉnh có 40 thành viên và cấp huyện, thị xã, thành phố có 303 thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các ngành đã xây dựng, ban hành quy chế hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thành viên. Nhờ đó, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh được tổ chức đồng bộ, thống nhất, rộng khắp.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng xác định nội dung và lựa chọn hình thức PBGDPL đảm bảo phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn, ở từng thời điểm khác nhau. Ngoài việc phổ biến các văn bản pháp luật có tính thời sự cao, các cấp, các ngành và địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật gắn với nhu cầu thực tế người dân như: Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ và phát triển rừng…
Các cấp, các ngành, địa phương sáng tạo nhiều hình thức, mô hình mới mang lại hiệu quả tích cực trong công tác PBGDPL. Đơn cử, TX An Nhơn, huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước tổ chức tìm hiểu pháp luật qua hình thức sân khấu hóa, rung chuông vàng. LĐLĐ tỉnh tổ chức chương trình gameshow “Giờ thứ 9” để tuyên truyền, PBGDPL cho công nhân, người lao động trong các DN. Tỉnh đoàn tổ chức các mô hình “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Đăng ký giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến”, “Hành trình pháp luật”. CA tỉnh phát động phong trào “Phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên” và “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Theo ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, ngoài việc đa dạng, phong phú nội dung và hình thức tuyên truyền, Sở còn chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL. Sở phối hợp với các hội, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, CCB tập trung hỗ trợ kỹ năng, trang bị kiến thức pháp luật cho các nhóm, lực lượng nòng cốt tại các địa phương. Qua đó, giúp lực lượng này thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra việc xây dựng các mô hình CLB pháp luật. Hiện toàn tỉnh có 408 CLB như: “Trợ giúp pháp lý”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”… Từ năm 2013 đến nay, các CLB tổ chức hơn 3.000 buổi sinh hoạt pháp luật, thu hút gần 300 nghìn lượt người tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, các thành viên, hội viên và người dân trang bị nhiều kiến thức pháp luật bổ ích để vận dụng đúng đắn vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 182 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 307 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.186 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh còn có 1.127 tổ hòa giải với trên 8.490 hòa giải viên; hàng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên.
“Việc triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 32-CT/TW giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện trong hoạt động quản lý nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức giảm đáng kể. Nhờ đó, các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân giảm đáng kể”, ông Lê Văn Toàn nhìn nhận.
CÔNG LUẬN