Phát hiện hố thiên thạch khổng lồ tại Trung Quốc
Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện và tiến hành nghiên cứu một hố thiên thạch với đường kính 1.850m và có độ sâu 150m tại huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc nước này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: xinhuanet.com)
Các nghiên cứu do Viện Địa hóa học thành phố Quảng Châu trực thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc tiến hành và được đăng trên trang mạng Khoa học Trung Quốc ngày 24.12.
Hố thiên thạch này nằm ở dãy núi Lesser Khingan với hình dáng giống như chiếc bát và được bảo quản trong điều kiện khá tốt, khi chỉ có 1/3 miệng hố bị ăn mòn.
Phần lớn miệng hố được bao phủ cây bạch dương. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng hố thiên thạch được hình thành trên tầng đá granite kỷ Phấn Trắng, song để tìm ra chính xác ngày hình thành hố sẽ đòi hỏi việc nghiên cứu sâu thêm.
Trong khi đó, lớp trầm tích ở đáy hố cho thấy nơi đây từng là một hồ nước, song hồ nước này đã biến mất cách đây khoảng 10.000 năm.
Phát hiện trên có thể cung cấp bằng chứng mới về những sông băng thấp tại Đông Bắc Trung Quốc vào thời kỳ cổ đại, đồng thời đóng vai trò là "phòng nghiên cứu tự nhiên" phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học hành tinh và địa chất.
Giáo sư Chen Ming của Viện Địa hóa học thành phố Quảng Châu cho biết một hố thiên thạch như vậy có thể đã được phát hiện tại huyện Y Lan thông qua việc phân tích các hình ảnh vệ tinh vào đầu năm 2019.
Theo thống kê, hiện có khoảng 190 hố va chạm như vậy được xác nhận trên khắp thế giới, trong đó có một hố tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.
Hố va chạm là một vũng hình tròn được hình thành trên bề mặt hành tinh do sự va chạm của với vận tốc cực cao của các thiên thể nhỏ.
Theo Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)