Đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020
Chiều 25.12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành từ năm 2009. Trong 10 năm triển khai, thực hiện, Chiến lược đã thu được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đời sống văn hóa và môi trường văn hóa trong cả nước có nhiều khởi sắc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Sự nghiệp văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới. Công tác thông tin đại chúng, hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa đạt nhiều thành tựu. Nhiều phong trào, cuộc vận động góp phần bồi đắp, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đời sống đương đại…
Cụ thể, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với trung tâm là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành một hoạt động xã hội thiết thực và lan tỏa. Cả nước hiện có 69.024 làng, thôn, ấp, bản, buôn văn hóa; 19.064.069 gia đình văn hóa; 64.968 cơ quan, đơn vị văn hóa…, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội của toàn quốc.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư đồng bộ, tăng theo từng năm, với 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 561/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao, đạt 91%; 73,2% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 75.996/101.732 thôn, bản, buôn, làng có nhà văn hóa, đạt 74,7%. Chưa kể gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế khác nằm ở 64 tỉnh, thành.
Mạng lưới thư viện công cộng cũng được chú trọng phát triển rộng khắp, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 63 thư viện tỉnh, thành phố; 667 thư viện cấp huyện; 3.290 thư viện cấp xã và 19.881 phòng đọc, tủ sách cơ sở..., góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Cả nước cũng ghi nhận hơn 4 vạn di tích và hơn 6 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 3.498 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 301 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 28 di sản được UNESCO ghi danh.
Từ năm 2009 đến nay, nguồn vốn đầu tư cho công tác phát triển văn hóa trên cả nước đạt mức 8.565,066 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.156,113 tỷ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 6.408,953 tỷ đồng, chưa kể nguồn đầu tư xã hội hóa…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã mang đến nhiều đổi mới cho đời sống mọi tầng lớp nhân dân, rút ngắn khoảng cách phát triển và mức hưởng thụ đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, vùng miền. Không chỉ làm giàu đời sống tinh thần, văn hóa phát triển cũng góp phần làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở mỗi người trong xã hội đối với vấn đề xây dựng, bồi đắp văn hóa.
"Đời sống tinh thần được nâng cao, các yếu tố văn hóa, con người được chú trọng cũng là lúc mỗi người thấy được tầm quan trọng của văn hóa, có ý thức hơn trong việc xây dựng, bồi đắp những giá trị mới, từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, giai đoạn tới, với mục tiêu xây dựng văn hóa - con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, bên cạnh những giải pháp đã triển khai, cần tiếp tục thực hiện “3 chân kiềng” cho phát triển văn hóa, con người, gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền vận động; phát huy vai trò nêu gương; gắn với thực hiện kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.
Theo NGUYỄN THANH (HNM)