ÐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững
Những năm qua, tỉnh Bình Ðịnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số đến trường, giữ học sinh với lớp. Nhờ đó, bức tranh giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần sáng lên, tỷ lệ học sinh đến lớp được nâng lên, chất lượng giáo dục được cải thiện, giáo viên yên tâm đứng lớp.
Cơ sở vật chất các trường vùng DTTS ngày càng khang trang.
Sâu sát lắng nghe, đáp ứng kịp thời
Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được thực hiện trong nhiều năm qua, như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ học mẫu giáo, cải thiện chính sách dành cho giáo viên mầm non, triển khai chương trình sữa học đường; thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025… góp phần nâng cao sức khỏe học sinh, chất lượng giáo dục tại vùng DTTS.
Cùng đó, cơ sở hạ tầng trường lớp cũng được đầu tư ngày một tốt hơn. Trong giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến 2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng 250 phòng học tại vùng đồng bào DTTS; đồng thời, xây dựng nhiều công trình cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú theo tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn quốc gia.
Ông Đỗ Công Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Năm ngoái, trường tôi có thêm một dãy phòng học mới, các phòng học còn lại được sửa chữa khang trang, học sinh, phụ huynh rất phấn khởi. Không chỉ vậy, trường còn có thêm sân bóng, thư viện giúp các em học sinh vui chơi, thư giãn, giải trí”.
Đề án Sữa học đường vừa được triển khai đầu năm học 2019 - 2020 là niềm vui lớn đối với phụ huynh, học sinh miền núi. Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đề án sữa học đường được triển khai, phụ huynh rất mừng vì nhiều nơi ở Vĩnh Thạnh còn khó khăn, không phải em nào cũng được uống sữa tươi”.
Không chỉ ban hành nhiều chính sách, lãnh đạo tỉnh còn sâu sát, gần gũi đồng bào DTTS, lắng nghe nguyện vọng của họ để điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ kịp thời, đảm bảo nhanh chóng cải thiện chất lượng giáo dục. Dịp 20.11 vừa rồi, thăm Trường Tiểu học Canh Liên (huyện Vân Canh), biết được những khó khăn, vất vả của giáo viên, học sinh ở 3 làng (làng Kà Bông, làng Cát, làng Chồm) của xã Canh Liên, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ghi nhận các đề xuất và hứa sẽ sớm đáp ứng. Ngày 18.12, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu triển khai dự án xây dựng lưới điện cho 3 làng để giáo viên, học sinh có thể dạy và học tốt hơn.
Học sinh Trường Mẫu giáo An Vinh (huyện An Lão) được chăm sóc bán trú.
Đi vào thực tế, sớm phát huy tác dụng
Các chính sách hỗ trợ giáo dục của tỉnh nhanh chóng đi vào đời sống, sớm phát huy tác dụng. Một trong những điểm dễ thấy nhất là các trường học ở khu vực miền núi, nơi đồng bào DTTS định cư ngày càng kiên cố, khang trang hơn; những lớp học tạm bợ không còn. Đến thăm các trường vùng DTTS, tôi nhận thấy một sự khác rõ, đó là học sinh đã “có da có thịt” hơn, nhiều em đã chủ động bắt chuyện với người lạ, giao tiếp bằng tiếng Việt thuần thục... Để có được sự thay đổi này, các thầy cô giáo đã rất tâm huyết trong dạy dỗ, chăm sóc.
Cô giáo Văn Thị Thủy, giáo viên Trường Mẫu giáo An Trung (huyện An Lão), chia sẻ: “Nhiều đoàn khách đến thăm trường, ai cũng khen học sinh ở đây dạn dĩ, tự tin. Đây thật sự là chuyển biến rất đáng vui mừng!”.
Một ưu điểm vượt trội so với nhiều tỉnh thành, là một số huyện miền núi, trung du ở Bình Định đã xây dựng trường bán trú ở bậc học mầm non, trong đó nổi bật là huyện An Lão. An Lão đã sớm xây dựng trường bán trú mầm non từ năm học 2012 - 2013; đến nay huyện đã có 7/10 trường bán trú có nhiều điểm trường lẻ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho học sinh được nâng lên. Thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng về cân nặng so với trẻ chưa được học bán trú giảm 6,7%, suy dinh dưỡng về chiều cao giảm 8,1%.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục. Ngoài xây dựng cơ sở vật chất, vận động phụ huynh học sinh cho con em học bán trú, vừa qua huyện còn hỗ trợ các trường mua học liệu. Ngay cả chính quyền xã cũng rất quan tâm và tìm cách hỗ trợ tối đa để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất”.
Nhờ những sự quan tâm, động viên, tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh có 41/1.507 học sinh DTTS bỏ học; đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học tiếp tục giảm còn 0,29%.
THẢO KHUY