LoRa - ứng dụng nông nghiệp thông minh
Cả hai lần tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2019 và Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên năm 2019, dự án “Nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ LoRa” đều được đánh giá cao khi chọn nghiên cứu về công nghệ còn khá mới mẻ trong nước, cùng khả năng ứng dụng để giải quyết khó khăn thực tế.
Nhóm sinh viên trao đổi về cách ứng dụng thiết bị LoRa.
Tác giả dự án là 3 sinh viên năm cuối khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn: Ngô Bá Quốc Anh, Trần Phương Diễn và Cao Anh Quốc. Các bạn cho biết, ý tưởng hình thành dự án bắt đầu trong một lần nhóm tìm hiểu về một nghiên cứu liên quan đến LoRa của hệ thống nông nghiệp thông minh Next Farm. Các thành viên của nhóm đặt ra câu hỏi: Liệu có thể ứng dụng công nghệ LoRa để sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa - nơi mạng internet khó có thể, hoặc chưa phủ sóng?
“Ý tưởng lóe lên sau khi nhóm biết được, so với những công nghệ thường được sử dụng như bluetooth, zigbee, wifi… chỉ có phạm vi hoạt động từ 10 đến dưới 200 m thì LoRa có khả năng hoạt động với khoảng cách gần 20 km trên băng tần miễn phí tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc truyền tín hiệu không cần kết nối internet, và tín hiệu đường truyền ít bị can nhiễu. Thiết bị LoRa có tuổi thọ rất cao, lên đến 10 năm và chỉ cần dùng pin”, bạn Trần Phương Diễn cho biết.
Hệ thống nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ LoRa do nhóm thiết kế lắp đặt cảm biến để thu thập dữ liệu thời gian thực về các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm đất, cường độ sáng… và gửi đến trung tâm dữ liệu với khoảng cách lên tới 20 km. Trên cơ sở phân tích dữ liệu thu thập được, các quyết định cần thiết sẽ được đưa ra và gửi đến các thiết bị ngoại vi như đèn, quạt gió, bơm nước… nhằm đảm bảo môi trường phù hợp nhất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để có thể ứng dụng ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có lưới điện quốc gia, nhóm đưa ra ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời để đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp cho thiết bị LoRa và cảm biến.
Để hoàn thành nghiên cứu, nhóm tham gia vào cộng đồng LoRa trên facebook có tên là Easy-to-Use starter kit for LoRa và tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm nghiên cứu IoT-Lab (khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn). Theo TS Nguyễn Đức Thiện, Trưởng nhóm nghiên cứu IoT-Lab, việc triển khai các dự án dựa vào nền tảng công nghệ LoRa, đặc biệt là dự án nông nghiệp thông minh là một hướng tiếp cận đúng đắn và thiết thực, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp xanh - sạch - bền vững.
Trong khi đó, thành viên của nhóm nghiên cứu - Ngô Bá Quốc Anh chia sẻ niềm vui: “Hiện, có 2 DN ngỏ ý đặt hàng sau khi ý tưởng được nhóm hoàn thiện, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi hướng đi mình đã chọn”.
ÁNH HUÂN