Bí bách trong hẻm phố
Theo các nhà nghiên cứu thì ngõ hẻm ở đô thị mang tính lịch sử và văn hóa truyền thống, là bản sao cách tân của việc mang làng vào trong phố. Đi tìm hiểu thực tế ở một số khu dân cư tập trung nhiều đường hẻm ở TP Quy Nhơn, còn thấy đời sống sinh hoạt của người dân lắm nỗi khó khăn.
Lạc vào “ma trận”
Nhiều người dân ở khu vực 1 và khu vực 4, phường Thị Nại khi giới thiệu về nơi ở của mình thường nói vui là khu “vòng vòng tìm hi vọng”. Bởi những người lần đầu tiên muốn tìm nhà một người nào đó trong các khu hẻm thật chẳng dễ dàng, với chằng chịt từ hẻm to đến hẻm nhỏ, hẻm dài đến hẻm cụt và rất nhiều hẻm được thông với nhiều ngõ ngách và có thể đi vào từ nhiều con đường khác nhau. Chúng tôi chọn khu hẻm Đền thờ Đức Thánh Trần (596/17 Trần Hưng Đạo) để bắt đầu “thám hiểm”. Con hẻm chính bắt đầu nhỏ dần rồi phân nhánh thành rất nhiều hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, cong cong quẹo quẹo; nhiều ngách hẻm phải bẻ quặp gương chiếu hậu của xe máy mới đi qua được. Chạy vòng vòng mấy chục phút trong khu hẻm đến mất phương hướng, chúng tôi mới thấy có con hẻm dẫn ra đường Đống Đa.
Ông Lâm Phước Tấn (72 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 3 khu vực 1, phường Thị Nại, cho biết: “Những năm sau giải phóng, người dân ở khắp nơi đổ về khu này sống đông hơn, mỗi hộ làm nhà lấn ra một ít nên cứ thu hẹp dần những con hẻm. Con hẻm dẫn vào nhà tôi rộng 2 m đã là rộng nhất ở tổ 3, các hẻm còn lại chỉ rộng khoảng 1-1,5 m. Vậy mà, vẫn còn đỡ hơn nhiều so với các con hẻm nhỏ hẹp ở khu vực 4, có chỗ cua phải xuống dắt xe mới qua được”.
Ngược lên đường Nguyễn Huệ- đoạn gần eo nín thở xuống UBND TP Quy Nhơn, có khoảng 20 con hẻm với lối đi vào rộng khoảng 1 - 2m. Vào các con hẻm này rất dễ bị lạc, khi liên tục bị chẻ ra thành rất nhiều “hẻm trong hẻm” ngoằn ngoèo nối đuôi nhau, thông từ xóm này sang xóm khác. Nhiều con hẻm chỉ là “đường một chiều” dành cho xe máy hoặc người đi bộ. Ông Nguyễn Len, ở khu vực 1, phường Trần Phú, cho biết: “Thời ông cố tôi là những ngư dân ở làng Chánh Thành ngày xưa, các con hẻm ở khu 2 này đã chằng chịt như vậy. Đất chật người đông, nhà cửa cất tạm bợ san sát nhau không theo trật tự nào, nên dần dần tạo thành “ma trận” đối với người lạ đi vào”.
Một khu hẻm “mê cung” khác nhiều người dân Quy Nhơn quen gọi là “xóm nhà đèn” (thuộc khu vực 6, phường Lê Lợi) được bao bọc bởi 4 tuyến đường phố sầm uất, nhộn nhịp người xe là Trần Quý Cáp- Phan Bội Châu- Lê Lợi- Tăng Bạt Hổ. Hiện trên 4 tuyến đường có khoảng 10 lối đi dẫn vào khu dân cư “hình hộp” nhà cửa san sát bám theo từng con hẻm, ngõ nhánh ngoằn ngoèo. Có nhiều ngõ hẻm rất hẹp chỉ đủ cho một người đi bộ…
Bức bối đời người
Anh Nguyễn Văn Hiệp, nhà ở một con hẻm nhỏ thuộc khu vực 4, phường Thị Nại, nói về sự đi lại khó khăn một cách dí dỏm: “Người dân trong hẻm đều là những tay lái cừ khôi để luồn lách qua những đoạn hẻm nhỏ hẹp. Đi xe máy trong hẻm thường ngang với tốc độ xe đạp nên chẳng lo bị bắn tốc độ và ai cũng tự giác tuân thủ quy tắc nhường đường để tránh kẹt xe”.
Đi thực tế qua nhiều hẻm phố, dù có khá nhiều ngôi nhà khang trang nhưng cũng chẳng là bao so với những ngôi nhà đơn sơ, xập xệ. “Ở phường Thị Nại, địa bàn tập trung nhiều hẻm nhất là khu vực 4 và khu vực 1 cũng là nơi dân cư nghèo nhất. Đa số họ làm những nghề lao động chân tay cực nhọc”, ông Lâm Phước Tấn cho biết.
Đi sâu vào các con hẻm thuộc xóm nhà đèn, tôi ghé vào một căn nhà “hai mặt tiền”- con hẻm phía trước nhà rộng chưa đến 2 m, hẻm bên hông nhà chỉ đủ lọt một người đi. Buổi sáng, căn nhà dù mở cửa sổ vẫn mờ mờ tối. Cụ bà Nguyễn Thị Hường (80 tuổi) ngồi trong nhà nói vọng ra: “Mấy năm trước còn thấy chút ít ánh sáng mặt trời, sau này các nhà xung quanh xây lầu lên cao che hết ánh sáng nên lúc nào nhà cũng phải mở điện. Còn khi cúp điện như lúc này thì đành ngồi trong bóng tối”.
Trò chuyện với cụ Hường một lúc thì điện sáng, tôi mới nhìn rõ căn nhà cụ đã sống gần 60 năm qua chỉ rộng khoảng hơn 20 m2, chỉ đủ chỗ để kê một tủ đồ nhỏ. Anh Lê Anh Dũng, con trai cụ Hường, tâm sự: “Căn nhà nhỏ hẹp này là nơi gia đình gồm cha mẹ cùng 9 anh em tôi sống chen chúc. Mùa nắng cả nhà tập trung ra ngoài hẻm ngồi ăn cơm. Cái nóng nực theo mỗi con người ở đây cho đến tận đêm khuya... Tôi đã đi Gia Lai lập nghiệp hơn chục năm nay, cuộc sống cũng còn khó khăn, nhưng được cái nhà cửa thông thoáng. Lâu lâu về lại quê thăm nhà, thấy thương mẹ và em đang phải sống trong không gian ngày càng bịt bùng, ngột ngạt”.
Sự tối tăm, ngột ngạt cũng là tình trạng chung của nhiều ngôi nhà trong hẻm.
Tuy vậy, mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm ở đây luôn khăng khít, chan hòa. Đến thăm con hẻm cụt dài hơn 100 m nằm lẩn khuất ở số 17 đường Đống Đa, các căn nhà nơi đây phần lớn rộng hơn 30 m2, cá biệt có căn nhà đầu hẻm chỉ rộng hơn 5 m2…Bà Nguyễn Thị Ba, nhà ở số 17/2, tâm sự: “Bà con trong hẻm đa số là hộ nghèo nhưng lại rất giàu tình giàu nghĩa. Những lúc ngặt nghèo, thiếu ăn, người nhà này sang nhà hàng xóm ăn nhờ là chuyện bình thường. Người dân luôn “tối lửa tắt đèn” có nhau, cùng nhau chia sẻ hoạn nạn. Đứa con trai của tôi hơn 40 tuổi vốn bị tật nguyền lại bị bệnh lao đang được điều trị ở bệnh viện hơn tháng qua. May nhờ chị em trong xóm gom góp giúp đỡ, mới có tiền đóng viện phí cho nó”.
Nhiều người cả đời sống trong hẻm chật hẹp, đến khi chết cũng không được “đi ra” khỏi ngõ một cách bình thường. Có trường hợp phải dựng đứng quan tài mới lách qua được hẻm. Người dân ở sâu trong các ngõ hẻm khu 2 trước đây còn phải đưa người chết ra bãi biển, rồi đi ngược lên khu vực eo nín thở mới có thể đưa lên xe tang đậu ở đường Nguyễn Huệ.
Xây dựng “hẻm văn hóa”
Nhiều năm qua, UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn đã quan tâm đến đời sống người dân trong các hẻm phố bằng việc chỉ đạo, đầu tư kinh phí thực hiện nhiều dự án thiết thực. Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã phân bố các điểm chiếu sáng hợp lý cho hơn 103 km ngõ hẻm. Nhiều tuyến đường hẻm được đúc bê tông xi măng theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đối với hơn 150 tuyến hẻm (rộng từ 1,5- 5m) với tổng chiều dài gần 30 km còn là đường đất, UBND TP Quy Nhơn cũng đã xây dựng Đề án đầu tư xây dựng bê tông xi măng các tuyến đường hẻm thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013- 2015. Bà Trần Thị Ngọc, ở tổ 19, khu vực 3, phường Trần Phú, phấn khởi: “Trước đây, các đường hẻm trong xóm biển tối thui, đường đất dơ dáy, ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Được Nhà nước quan tâm lắp điện chiếu sáng, hỗ trợ làm đường bê tông nên bây giờ cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn nhiều”.
Việc thực hiện chủ trương giải tỏa bớt dân, xây dựng các công trình mới đã đem đến nhiều đổi thay tích cực cho người dân trong các con hẻm. Phường Trần Phú trước khi di dời, giải tỏa để mở đường Xuân Diệu có khoảng 4.600 hộ với 23.000 nhân khẩu, sau khi di dời chỉ còn lại hơn 2.100 hộ với hơn 11.700 nhân khẩu. Nhiều hộ dân bao đời nằm giữa vòng vây nhà hẻm, nay đã được “đổi đời” ra mặt tiền đường nội bộ Xuân Diệu. Ông Nguyễn Thành Đức, nguyên cán bộ văn hóa phường Trần Phú, cho biết: “Việc vận động xây dựng đời sống văn hóa trong các hẻm phố khó khăn nhưng đã chuyển biến tích cực, một phần nhờ giải tỏa, mở đường Xuân Diệu. Từ khi có đường mới, người dân đã đồng loạt xây dựng nhà cửa khang trang hơn; nhiều người có điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nhà. Đời sống văn hóa- xã hội được nâng lên. Đến năm 2012, hai khu dân cư còn lại trong số 4 khu dân cư ven biển của phường Trần Phú đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận là khu phố văn hóa”.
Cuối tháng 9.2013, UBND TP Quy Nhơn đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các phường tổ chức kiểm tra, rà soát lại quy hoạch các tuyến hẻm; lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Qua đó, đề xuất cho UBND thành phố những tuyến nào sẽ giữ nguyên lộ giới theo quy hoạch, những tuyến cần điều chỉnh hoặc xóa bỏ cho phù hợp với thực tế.
Hoài Thu