Các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị sản xuất Đông Xuân
Cơn lũ lớn đi qua để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn… Hiện nay, các địa phương đang tập trung mọi nỗ lực khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt để bước vào vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 một cách tốt nhất.
Tuy Phước
Hiện nay, nước lũ tại các xã khu Đông của huyện đã rút đúng vào thời điểm chuẩn bị gieo sạ lúa vụ ĐX (lịch thời vụ gieo sạ từ 3.12 đến 25.12), các địa phương trong huyện cùng lực lượng quân đội, thanh niên xung kích khẩn trương hàn khẩu các đoạn đê sông bị vỡ, nạo hốt sa bồi để giải phóng đất sản xuất. Tuy nhiên, nhiều tuyến đê sông bị sạt lở nặng, một số diện tích ruộng sản xuất bị cát bồi dày không thể khắc phục nhanh được.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, nắm chắc tình hình thiệt hại, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, hàn khẩu, gia cố tạm các tuyến đê sông bị vỡ không cho nước tràn vào đồng gây ngập úng. Nạo vét khơi thông các tuyến kênh mương nội đồng, sửa chữa các đập dâng để tích nước phục vụ làm đất kịp thời gieo sạ đúng lịch thời vụ. Ngoài ra, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục các đoạn đê sông bị vỡ, kênh mương bị bồi lấp, ruộng bị sa bồi nặng để kịp thời triển khai sản xuất. Huyện cũng đã chỉ đạo các HTXNN trên địa bàn tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ để nông dân có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
Theo kế hoạch, vụ ĐX này, toàn huyện sẽ gieo sạ 7.500 ha lúa, trong đó có 7.000 ha lúa chân 2 vụ. Để đảm bảo nguồn giống lúa tốt cho nông dân gieo sạ, vừa qua, UBND tỉnh đã hỗ trợ huyện Tuy Phước 390 tấn lúa giống; địa phương cũng đã liên hệ mua thêm 100 tấn giống lúa cấp 1 và giống lúa lai để hỗ trợ nông dân gieo sạ. Nhờ vậy, đến thời điểm này, Tuy Phước đã chuẩn bị đủ lúa giống cho vụ ĐX.
Phù Cát
Theo ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát: Sau khi nước lũ rút, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện một số công việc cấp bách như: Đắp lại các đoạn đê bị vỡ nhằm ngăn nước sông tràn vào đồng, nhất là đoạn đê sông trên địa bàn xã Cát Nhơn, Cát Chánh, Cát Tiến... Đồng thời, các địa phương vận động nhân dân cùng với lực lượng bộ đội hỗ trợ nạo hốt sa bồi đồng ruộng; đối với vùng sa bồi nặng trên 0,5 m có kế hoạch dùng cơ giới để khắc phục, phấn đấu đưa hết diện tích vào sản xuất trong vụ ĐX này. Về việc thiếu lúa giống, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện chỉ đạo các xã điều hòa lượng giống dự trữ tại các HTXNN và có kế hoạch mua ở nơi khác, tránh tình trạng dùng thóc thịt để sản xuất.
Nhìn chung, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị sản xuất ĐX ở Phù Cát đã được thực hiện khẩn trương, song cũng còn khó khăn, nhất là việc đắp lại các đoạn đê, bờ trổ lở, hốt sa bồi ở diện tích ruộng bị lấp dày. Tình trạng sa bồi thủy phá sau lũ làm cho người nông dân phải đối mặt với khó khăn, một số trường hợp không còn ruộng sản xuất, trong khi địa phương cũng không còn ruộng dự phòng cho người dân mượn sản xuất.
Hiện nay, huyện Phù Cát đang tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, sản xuất ĐX đúng thời vụ. Vụ ĐX này, huyện Phù Cát có kế hoạch gieo sạ 7.200 ha lúa, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng, đưa diện tích cây trồng cạn lên gần 6.000 ha, gồm các loại cây trồng chính là: mì 2.400 ha, đậu phụng 2.800 ha, bắp lai 300 ha, trên 850 ha rau màu... Đồng thời, địa phương triển khai xây dựng 31 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, mì và đậu phụng trên diện tích 1.895 ha với 8.793 hộ tham gia. Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích sản xuất từ 30-70 ha, với các loại giống chính như: OM 6162, OM 6976, KD 28, DT 45, PC 6, ĐV 108 (đối với cây lúa); HL 25, mỏ két (đối với đậu phụng) và KM 94 (đối với mì).
An Nhơn
Ngay sau lũ, UBND thị xã An Nhơn đã chỉ đạo các xã, phường, các HTXNN khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, nhằm ổn định đời sống nhân dân và kịp triển khai sản xuất ĐX đúng lịch thời vụ đề ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn trong triển khai sản xuất ĐX 2013-2014 trên địa bàn thị xã là nguồn giống chuẩn bị sản xuất bị lũ cuốn trôi hoặc bị ẩm ướt, hư hỏng lên đến gần 590 tấn, nên thiếu lúa giống để sản xuất.
Theo kế hoạch, toàn huyện đưa vào gieo sạ vụ ĐX trên 7.155 ha lúa, trong đó, chân 3 vụ 600 ha, còn lại là chân 2 vụ. Thị xã đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 525 tấn lúa giống; đồng thời chỉ đạo từng HTXNN liên hệ các đơn vị kinh doanh giống có uy tín để mua lúa giống về cung ứng cho nông dân theo phương thức bán trả chậm, bảo đảm đủ giống cấp 1, giống lúa lai theo cơ cấu sạ hết diện tích, tuyệt đối không để nông dân dùng thóc thịt gieo sạ.
Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: Đến nay, thị xã đã chuẩn bị được 568 tấn giống lúa các loại, trong đó có 43 tấn giống lúa lai. UBND thị xã đã yêu cầu các HTXNN cân đối nguồn lúa giống dự trữ tại địa phương để cung ứng đủ cho nông dân gieo sạ; và xem xét nguồn giống lúa bị thiếu để đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm, bảo đảm sản xuất ĐX thắng lợi.
Từ nay cho đến khi xuống giống gieo sạ lúa ĐX thời gian không còn nhiều (lịch thời vụ gieo sạ vụ ĐX trên địa bàn thị xã từ 1.12), nông dân địa phương được sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, thanh niên xung kích đang tập trung sức khôi phục ruộng bị sa bồi và hệ thống kênh mương nội đồng, đắp các đoạn đê sông bị vỡ; vận động nhân dân và các HTXNN tu sửa lại các cống, đập, bờ giữ nước phục vụ sản xuất.
NGUYỄN HÂN