Hoài Ân: Những điều đọng lại sau lũ
Đợt lũ ngày 15.11 trên địa bàn huyện Hoài Ân dâng cao đột ngột, bất ngờ làm cho nhiều hộ vùng trũng, vùng ven sông, ven suối trở tay không kịp. Trong cơn hoạn nạn này đã có nhiều tấm gương bất chấp hiểm nguy cứu giúp bà con; nhưng bên cạnh đó cũng có một số người lợi dụng mưa to nước lớn để hôi của.
Ông Trần Thế Hải, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, có con trai là Trần Thanh Giảng, 17 tuổi, bị nước lũ cuốn trôi (mới tìm được xác vào ngày 20.11) ấm ức, kể lại: Mới vừa sáng nước lũ đã dâng nhanh, lúc này đàn bò của ông và của bà con trong xóm cột bên kia suối bị kẹt trong lũ. Vẫn còn kịp để qua giải thoát đàn trâu bò, nhưng các nhà ở xóm dưới bị nước lũ tràn ngập đang kêu cứu nên ông Hải tập trung để cứu người. Khi đi ông đã dặn các con thà mất của chứ không được lội qua suối, nguy hiểm lắm. Vậy mà, con trai của ông lo cho đàn bò đã lội qua suối và bị nước lũ cuốn trôi. Cả xóm nhìn Giảng bị cuốn trong nước lũ rồi chìm dần mà không làm gì được.
Cũng tại thời điểm này, tại cầu Hiệp Định, anh Lê Văn Châu ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa lái xe tải Chiến Thắng qua cầu và bị nước bao vây, chỉ trong chốc lát là người và xe trôi theo dòng nước. Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của xã Ân Nghĩa đã có mặt kịp thời. Bất chấp nguy hiểm, anh Nguyễn Văn Liên, cán bộ Văn phòng UBND xã đã dùng phao cứu sinh và dây bơi ra giữa dòng nước lũ, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng trên bờ, anh Châu đã được cứu sống. Cũng tại Ân Nghĩa, anh Hồ Sỹ Tuy (SN 1985), Bí thư Chi đoàn thôn Hương Quang, đã bất chấp mưa to, nước chảy xiết, khi nghe bà con trong xóm ngập sâu kêu cứu, anh đã huy động mấy anh em trong nhà, trong xóm kịp thời tiếp cận ứng cứu bà con; dù lúc đó ngôi nhà của anh nước cũng đã tràn vào.
Đợt lũ lụt có rất nhiều trâu, bò, heo của các xã Ân Nghĩa, Bók Tới, Đăk Mang bị trôi. Trong đó có một số con được đồng bào dưới xuôi vớt được, sau lũ các hộ bị mất đi tìm và phần lớn những người vớt được đã cho lại mà không đòi hỏi gì. Trong khi hàng ngàn người dân, cán bộ trên địa bàn huyện bất chấp khó khăn nguy hiểm, cứu giúp đồng bào vùng lũ thì bên cạnh đó lại có một số đối tượng lợi dụng trong cơn hoạn nạn để hôi của thật đáng chê trách và lên án.
Điển hình, vào ngày 15.11, một nhóm người ở thôn Thế Thạnh 1, xã Ân Thạnh vớt được 1 con bò còn sống. Sau lũ, ông Đinh Công Điệp, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa đã tìm được. Tuy nhiên nhóm người này đã đòi tiền chuộc 10 triệu đồng. Vợ chồng ông Điệp thất vọng quay về vì làm gì có số tiền lớn như vậy để chuộc lại. Được biết, ông Đinh Công Điệp là hộ nghèo, năm 2011 từ nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ ông đã mua được một con bê lai. Qua thời gian chắt chiu, chăm sóc đến nay đã sinh sản được một con bê nghé gần 2 tháng tuổi, giờ con bê con mất sữa mẹ nhiều ngày cũng đang kiệt sức. Thấy hoàn cảnh của gia đình, bà con trong thôn xóm đã cho ông mượn tiền để chuộc lại con bê. Qua thương lượng nhóm người này đã nhẫn tâm cho ông Điệp chuộc với số tiền là 7,2 triệu đồng (!)
Cũng thời điểm này một số người tại thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ cũng vớt được một con bò vừa thoi thóp chết. Thay vì để cho người bị mất tìm được xẻ thịt bán để vớt vát một phần thiệt hại, thì họ lại xẻ thịt bán, chia chác với nhau.
Sau lũ, cùng với công tác khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống nhân dân, mong rằng chính quyền các địa phương cũng nên kịp thời tuyên dương khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trong việc cứu, giúp người dân và phê phán những đối tượng hôi của, thu lợi bất chính.
VĂN HÙNG
Đề nghị UBND xã Ân Nghĩa gửi thư cho UBND xã Ân Thạnh phản ánh về hành vi xấu xa của nhóm người ở thôn Thế Thạnh 1. UBND xã Ân Thạnh dựa trên cơ sở đó để nhờ chính quyền thôn, hội đoàn thể của thôn và người đứng đầu tộc họ của những người đó phê bình về hành vi "hôi của" phi đạo đức đó! Hội nông dân, hội CCB, Đoàn TN...xem ai trong số họ là hội viên của mình thì phải phê bình ngay ! Chỉ riêng việc đưa lên Báo BĐ này cũng đã là nỗi nhục cho nhân dân thôn Thế Thạnh 1 và thôn Du Tự này rồi !