Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu:
Niềm vui xen nỗi lo
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu (CBG-LSXK) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để từng bước ổn định sản xuất. Tuy nhiên, ngành CBG-LSXK vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức...
10 tháng đầu năm 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh ước thực hiện gần 476 triệu USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, giá trị KNXK của nhóm hàng lâm sản thực hiện 194 triệu USD, tăng 7,5%. Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt là DN đạt được giá trị KNXK cao nhất trong lĩnh vực CBG-LSXK, với kết quả 27,3 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn có một số DN CBG-LSXK đạt giá trị KNXK cao, như: Công ty CP Phú Tài trên 16 triệu USD, tăng gần 12%; Công ty TNHH Đức Hải gần 15,3 triệu USD, tăng gần 20%; Công ty TNHH Mỹ Tài trên 4,4 triệu USD, tăng gần 16%…
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, đạt được kết quả trên là nhờ thời gian qua DN đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại các phòng, ban và dây chuyền sản xuất hợp lý, khoa học, hiệu quả; đồng thời triệt để tiết kiệm, giảm thiểu chi phí vật tư, nhân công; bảo đảm chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng kỳ hạn...
Theo ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN CBG-LSXK trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi; đơn hàng của các DN có sự chuyển dịch lớn từ Trung Quốc sang. Ước tính, lượng đơn hàng này tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, tình hình nền kinh tế Mỹ ngày càng khả quan hơn, nhất là sự khởi sắc của thị trường nhà đất đã góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ…
Tuy nhiên, ngành CBG-LSXK Bình Định vẫn còn đó những nỗi lo. Theo đó, chỉ trong tháng 10.2013, số lượng dăm bạch đàn XK giảm gần 61.000 tấn (khoảng 7,4%), giá trị giảm 8,2 triệu USD (khoảng 8,8%). Những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá trị KNXK là do khủng hoảng nợ công, nhiều nước châu Âu cắt giảm chi tiêu. Các DN CBG-LSXK còn phải đương đầu trước những hàng rào kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt, nhất là Đạo luật Lacey của Mỹ, Đạo luật cấm khai thác gỗ bất hợp pháp của Úc; cùng với những khó khăn cố hữu, sản xuất thiếu bền vững của ngành CBG-LSXK Bình Định.
Theo kế hoạch, trong tháng 11.2013, giá trị KNXK của nhóm hàng lâm sản khoảng 33 triệu USD, góp phần thực hiện giá trị KNXK của nhóm hàng này 6 tháng cuối năm 2013 là 148 triệu USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012). Để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, các DN CBG-LSXK cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm chi phí nhân công, nguyên liệu, vật tư, chi phí phụ; đồng thời thực hiện việc sản xuất nhanh, kiểm soát chất lượng tốt, giao hàng đúng thời gian…
Sở Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành tạo điều kiện cho các DN CBG-LSXK cập nhật thông tin, nắm bắt thị trường, giá cả, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, mở rộng XK. Sở sẽ gắn kết các hoạt động XTTM của tỉnh thông qua các Hiệp hội ngành hàng Trung ương và Chương trình XTTM quốc gia; đồng thời kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh và các ngân hàng gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với nợ vay của các DN CBG-LSXK; tăng hạn mức và thời hạn cho vay theo chu kỳ sản xuất từng loại sản phẩm...
VIẾT HIỀN