Nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu: Lo không có khách hàng
Nhà máy giết mổ động vật tập trung (ở KV 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) được đầu tư xây dựng bài bản với hệ thống dây chuyền, thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng lại vắng bóng khách hàng.
Năm 2015, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định đã triển khai Dự án xây dựng Nhà máy giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) tại KV 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Sau nhiều nỗ lực, đến ngày 13.12.2019, Nhà máy GMĐVTT, công suất từ 400 - 500 con heo và 40 con bò/ngày đêm đã chính thức hoạt động.
Nhà máy GMĐVTT tại KV 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn khá rộng lớn, nhưng có rất ít khách hàng đưa heo đến giết mổ.
Nhà máy vắng khách
Theo đánh giá của ngành chức năng, cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị và các điều kiện khác phục vụ cho hoạt động GMĐV tại Nhà máy này có phần tốt hơn một số nhà máy khác đã xây dựng trước đó. Nhưng điều đáng nói là lượng khách đưa gia súc vào nhà máy của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định để giết mổ quá ít. Lúc 2 giờ ngày 22.12, cao điểm hoạt động GMĐVTT, nhưng chỉ có duy nhất bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước đến để xử lý đàn heo khoảng 15 con đã nuôi nhốt tại Nhà máy trước đó. Vì ít khách hàng nên hoạt động giết mổ, vận chuyển thịt heo đưa đi tiêu thụ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Bà Tuyết chia sẻ: Trước đây, tôi đưa heo vào một nhà máy tại phường Nhơn Bình để giết mổ, mỗi đêm khoảng 15 - 20 con, nhưng gần đây tôi đã chuyển đến cơ sở này. Từ Phước Lộc đến đây khá gần, dây chuyền thiết bị phục vụ hoạt động giết mổ heo ở đây tốt hơn; việc ra thịt đưa lên xe rất thuận lợi. Hơn nữa nguồn nước ở đây dồi dào và sạch, nên thịt heo sau khi giết mổ trông tươi và sáng, khách hàng rất thích”.
Có mặt tại Nhà máy để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát GMĐV, ông Nguyễn Công Tâm, cán bộ Thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Quy Nhơn, đánh giá: Cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị, nguồn nước ở đây rất tốt, công nhân chuyên nghiệp. Đường giao thông đưa heo đến cơ sở để giết mổ và đưa thịt heo xuống chợ Đầm để tiêu thụ cũng rất thuận lợi.
Tất cả những điều kiện kỹ thuật đều tốt nhưng nhìn Nhà máy vắng hoe, ngay cả một người ít liên quan như tôi cũng thấy chạnh lòng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định, phân trần: Trước đây, ngành chức năng của tỉnh và TP Quy Nhơn cam kết sẽ tổ chức cho các hộ hành nghề giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư đưa gia súc vào Nhà máy của tôi để giết mổ. Có cam kết như thế tôi mới dám huy động hơn 20 tỷ đồng để đầu tư và chuyển gia đình từ TP Hồ Chí Minh về đây sinh sống, kinh doanh trên lĩnh vực GMĐV. Để thu hút khách hàng, trước mắt tôi tuyển 8 lao động có tay nghề cao trong hoạt động giết mổ heo, miễn phí toàn bộ dịch vụ nuôi nhốt heo, phí dịch vụ giết mổ…, nhưng mỗi đêm chỉ có 1 - 2 khách hàng. Đến giờ chỉ có thể nói là buồn quá!”.
Phải hỗ trợ doanh nghiệp
Nghe tôi thuật lại nỗi chạnh lòng của mình và cả nỗi buồn của ông Kiệt, ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, trao đổi: Trước đây, thành phố phân bổ các hộ hành nghề giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư tại xã Phước Mỹ và các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đưa gia súc vào Nhà máy GMĐVTT tại phường Trần Quang Diệu để giết mổ. Nhưng phần lớn các hộ dân ở các địa phương nói trên nay không còn hành nghề nữa. Còn các hộ dân ở các phường khác thì đã được bố trí đưa gia súc vào Nhà máy GMĐVTT tại phường Nhơn Bình. Vì vậy, thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương chưa có cơ sở GMĐVTT hướng dẫn người dân đưa gia súc vào Nhà máy tại phường Trần Quang Diệu để giết mổ.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24.12, làm việc với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: Phải nhìn vấn đề ở chiều sâu, trên tầm chiến lược - từ lợi ích kinh tế đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh - mới thấy việc đầu tư xây dựng nhà máy GMĐVTT mang lại nhiều lợi ích rất lớn, cần phải khuyến khích và hỗ trợ DN. Tuy nhiên, việc phân vùng, bố trí sắp xếp, đưa các hộ hành nghề GMĐV nhỏ lẻ trên địa bàn TP Quy Nhơn vào các nhà máy đã xây dựng chưa đồng đều, nên có sự chênh lệch lớn về khách hàng giữa các cơ sở. Các địa phương lân cận chưa xây dựng được cơ sở GMĐVTT, nhưng lại không chỉ đạo quyết liệt việc đưa gia súc vào các nhà máy GMĐVTT đã xây dựng ở TP Quy Nhơn để giết mổ. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Quy Nhơn, Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt vấn đề trên, nhằm hỗ trợ DN hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực GMĐV đạt hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ