Nhạc Trịnh chưa thôi khắc khoải
Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Đóa hoa vô thường sẽ được tổ chức tại Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng (quận 7 TPHCM) vào ngày 31.3, kỷ niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với 20.000 vé phát hành miễn phí đã được trao đến tận tay những khán giả yêu thích nhạc Trịnh.
Điều đó cho thấy những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ thôi hết sức “nóng”, cuốn hút và luôn chiếm một vị trí, một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Đã có rất nhiều chương trình với những đêm nhạc trong suốt 12 năm qua được tổ chức thường niên để tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp ấn tượng và rất có giá trị của ông cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều sân chơi dành cho những khán giả hâm mộ, yêu thích nhạc Trịnh ra đời. Đó là những cuộc thi viết về nhạc Trịnh do các báo đài tổ chức, hoặc những cuộc thi nhạc Trịnh do gia đình phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức như cuộc thi hát nhạc Trịnh thường niên được tổ chức hàng năm ở Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… đã thu hút hàng ngàn người đăng ký tham dự cuộc thi…
Hầu hết những khán giả đến với nhạc Trịnh như là để chia sẻ nỗi niềm của chính mình trong cuộc sống, để thưởng thức, suy tư và nghiền ngẫm trong từng giai điệu, ca từ, những triết lý sâu sắc, khó quên trong từng tuyệt phẩm. Bởi vậy, khi Diễm xưa, Hạ trắng hay Một cõi đi về… được cất lên thì khán giả dường như bị mê hoặc và chìm đắm.
Nhạc Trịnh hay là như thế nhưng không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào cũng hát được những tác phẩm âm nhạc bất hủ của ông. Có lẽ vì thế mà khán giả yêu thích nhạc Trịnh gần như mặc định chỉ có một vài danh ca thể hiện được, có hồn và hay nhất. Dù sau này còn có thêm ca sĩ Cẩm Vân, Hồng Nhung hay Quang Dũng… Nhiều ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng khác cũng đã thử sức mình hát nhạc Trịnh, làm album nhạc Trịnh như là một cách làm mới mình trong âm nhạc nhưng không mấy thành công bởi chất giọng hoặc sự biến tấu, phá cách hoàn toàn không phù hợp với nhạc Trịnh.
Bởi vậy, khán giả mộ điệu vẫn thích hát, thích nghe những tuyệt phẩm nhạc Trịnh bằng cách hát nhẹ nhàng mà sâu lắng, chứa chan nhiều cung bậc cảm xúc chứ không phải là lối hát cầu kỳ, phô bày kỹ thuật hoặc cách hát ồn ào, gào thét phá hỏng chất nhạc Trịnh. Bất chợt đâu đó lời ca từ bài hát Cát Bụi vang vọng lên trong tâm hồn mình: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi phận này… Vết mực nào xóa bỏ không nguôi”… tự dưng cảm giác lòng mình se thắt lại vì niềm xúc động. 12 năm hay sau nữa thì nhạc Trịnh vẫn vậy, vẫn luôn không thôi day dứt, khoắc khoải trong lòng khán giả hâm mộ.
. Theo SGGP