Chăn nuôi gia cầm hướng đến xuất khẩu: Nhiều cơ hội phát triển nhưng...
Ngành chăn nuôi gia cầm có nhiều cơ hội để phát triển, nếu sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đang vướng, nâng cao giá trị, hướng đến xuất khẩu. Ðây là điểm gặp nhau của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng xuất khẩu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức ngày 19.12 tại Bình Ðịnh.
Phần lớn các gia trại chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta đều có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
- Trong ảnh: Chăn nuôi gia cầm tại một hộ gia đình ở TX An Nhơn.
Nhiều cơ hội phát triển
Theo Cục Chăn nuôi, hiện thị trường tiêu thụ thịt và các sản phẩm gia cầm trong và ngoài nước đang tăng cao, là cơ hội tốt để người dân trong nước nói chung Bình Định nói riêng phát triển đàn gia cầm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cần phát triển các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển các sản phẩm chế biến hợp chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng quốc tế nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, mà các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu cao thường dựng lên để bảo vệ người tiêu dùng. Các DN đã khẳng định được thương hiệu, có khách hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên tiếp tục nâng cấp chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất.
Bình Định là địa phương có nhiều lợi thế khi sở hữu đàn gia cầm khá lớn, lưu giữ nhiều giống gia cầm có năng suất cao, chất lượng tốt. Hơn nữa tỉnh cũng có 2 DN sản xuất giống gia cầm hàng đầu Việt Nam.
Ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), chia sẻ: Phát triển chăn nuôi gia cầm, áp dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu là hướng đầu tư của công ty. Hiện Công ty đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gà ông bà, bố mẹ, sản xuất 5,44 triệu con gà giống 1 ngày tuổi và 29,7 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn. Ngoài ra, còn hợp tác với 2 DN đến từ Hà Lan và Pháp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thịt gia cầm tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng công suất chế biến 5,76 triệu con gà thịt thương phẩm/năm; cấp đông gần 9.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Âu.
Phải vượt qua hàng rào
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận xét, mặc dù những năm qua ngành chăn nuôi nước ta nói chung Bình Định nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân trong nước và một phần xuất khẩu, nhưng ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, như: Quy mô chăn nuôi nhỏ, mức đầu tư còn thấp, trình độ quản lý kém. Những hạn chế này dẫn đến nhiều hệ lụy như: Khó kiểm soát dịch bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, khó đầu tư nâng chất lượng. Năng lực giết mổ động vật tập trung và chế biến sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế, nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Tán đồng quan điểm của bà Hạnh, nhiều chuyên gia khác cũng phân tích: Một điểm yếu khác của ngành chăn nuôi là thiếu tính liên kết, chưa xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Trong khi đó, các DN nhập khẩu gà giống hoặc sản phẩm chăn nuôi yêu cầu - giống gà sử dụng phải là giống được Bộ NN&PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Các nhà nhập khẩu rất quan tâm chất lượng gia cầm, điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh.
Để phát triển chăn nuôi hướng đến xuất khẩu, cần kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, cơ cấu ngành chăn nuôi, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tăng cường xây dựng thương hiệu để củng cố thị phần trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. “Phải mất 2 năm đàm phán với Cục Thú y Nhật Bản, Cục An toàn Y tế Nhật Bản, thịt gà chế biến Việt Nam mới có thể vào được thị trường Nhật Bản. Nói vậy để thấy với những thị trường tốt, khả năng sinh lợi cao đều không dễ để tiếp cận!”- Bà Hạ Thúy Hạnh khuyến nghị.
Bình Định đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trên lĩnh vực chăn nuôi theo hướng giảm quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số lượng trang trại, áp dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị. Ông Phan trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về vốn vay, đất đai, tạo điều kiện cho DN mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi cũng tăng cường tư vấn, hướng dẫn các đơn vị chăn nuôi và cả các hộ gia đình đầu tư nâng dần quy mô, chất lượng hướng tới đáp ứng được các bộ tiêu chuẩn mà thị trường, phía nhập khẩu đòi hỏi; gắn sản xuất với từng thị trường với các yêu cầu, đặc điểm riêng.
PHẠM TIẾN SỸ