HỆ THỐNG ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ TRONG THỜI ĐẠI 4.0:
Sẽ “đuối sức” nếu không chủ động đổi mới
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động của Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”, đến nay hệ thống đài truyền thanh cơ sở (TTCS) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền. Hiện, toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh. 90% đài TTCS sử dụng công nghệ truyền thanh không dây.
Nhân viên kỹ thuật dàn dựng chương trình phát thanh buổi chiều tại Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn.
Theo ông Nguyễn Thế Quỳnh, Phó Trưởng phòng Thông tin Báo chí - Xuất bản (Sở TT&TT), các đài TTCS đều được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ, đảm bảo hoạt động. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đối với các huyện đồng bằng, trung du đạt gần 100% về diện tích và dân số, trong khi tỷ lệ này tại các huyện miền núi đạt gần 90%.
Ông Đoàn Văn Chư, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn chia sẻ, việc tự sản xuất chương trình giúp nội dung tuyên truyền trở nên phong phú và gần gũi hơn với đời sống của người dân địa phương. Hiện, mỗi ngày Trung tâm sản xuất 8 - 9 tin và 1 tiết mục; đang hướng đến sản xuất sách, băng đĩa để đa dạng nội dung tuyên truyền. Tương tự, ông Lê Lai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân cho biết, từ năm 2010, đài đã thực hiện thu và phát thanh bằng máy tính thay cho dùng băng ghi âm, nhờ đó giảm được thời gian thu âm, nâng cao chất lượng phát thanh. Về nội dung, các đài TTCS đều duy trì hoạt động tiếp sóng phát lại chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và sản xuất chương trình địa phương. Hầu như các đài đều tự sản xuất chương trình, chuyên mục phát sóng.
Nhận định về xu hướng phát triển, khả năng thích ứng của TTCS, ông Bùi Huy Phúc, Trưởng phòng Thông tin Báo chí - Xuất bản (Sở TT&TT) trình bày: Nói TTCS cũng phải nắm bắt và hội nhập vào thời đại công nghiệp 4.0 có vẻ xa vời nhưng thực tế đòi hỏi mọi ngành nghề, cấp độ cũng phải vậy chứ không riêng gì TTCS đâu. Muốn tồn tại, phát triển phải dựa vào nền tảng thông tin thông minh, phân tích cơ sở dữ liệu lớn. Để tạo đột phá, cạnh tranh với phương tiện truyền thông khác như: Báo hình, báo điện tử, mạng xã hội, các nhà đài buộc phải đổi mới, đầu tư dài hơi hơn và đặc biệt thực hiện chuyển đổi số, nếu không muốn độc giả quay lưng lại. TTCS vẫn có đối tượng “khách hàng” của riêng mình, nếu khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển theo mô hình tích hợp đa phương tiện; cải thiện chất lượng nội dung và hình thức; tăng cường tương tác giữa độc giả với chương trình… thì sẽ thành công.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù có một số ưu thế, nhưng hầu hết đài TTCS đang tỏ ra “đuối sức” so với phương tiện truyền thông khác. “Rảnh rỗi, tôi tranh thủ đọc báo mạng hay lướt qua các trang mạng xã hội là nắm được hầu hết thông tin trong ngày, chứ chờ nghe bản tin đài đọc trong một khung giờ cố định thì chậm lắm”, anh Nguyễn Thanh Dũng ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước chia sẻ.
HỒNG HÀ