Một công chức địa chính xã Ân Mỹ sử dụng bằng giả
Một công chức Ðịa chính - Xây dựng - Môi trường xã Ân Mỹ (Hoài Ân) sử dụng bằng giả để làm việc trong nhiều năm vừa mới bị phát hiện. Dư luận địa phương đang chờ các ngành chức năng của huyện Hoài Ân có hình thức xử lý kỷ luật đối với trường hợp này.
Trụ sở UBND xã Ân Mỹ, nơi ông Lê Phước Đô làm việc.
Người dân xã Ân Mỹ (Hoài Ân), phản ảnh tới Báo Bình Định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Lê Phước Đô, công chức Địa chính - Xây dựng - Môi trường xã Ân Mỹ để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc quản lý đất đai tại địa phương. Chậm trễ, không làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc hàng trăm hộ dân ở thôn Long Mỹ, Long Quang, Mỹ Đức, Mỹ Thành, Đại Định (xã Ân Mỹ) nộp tiền hơn 15 năm nhưng tới nay chưa được cấp đổi sổ đỏ. Không kịp thời phát hiện, tham mưu cho lãnh đạo xã ngăn chặn, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích; khiến tình trạng này xảy ra khá nhiều tại xã Ân Mỹ.
Đặc biệt, năm 2011, ông Đô sử dụng bằng Trung cấp địa chính giả để tham gia đợt thi tuyển công chức do UBND huyện Hoài Ân tổ chức. Đáng nói, việc này diễn ra suôn sẻ, ông Đô trúng tuyển vào vị trí công chức Địa chính - Xây dựng - Môi trường xã Ân Mỹ và công tác từ đó đến nay. Chỉ khi một người dân ở xã Ân Mỹ có đơn phản ảnh, UBND xã Ân Mỹ và các ngành chức năng của huyện Hoài Ân vào cuộc kiểm tra thì việc sử dụng bằng giả của ông Đô mới vỡ lở.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2000, ông Đô được UBND xã Ân Mỹ ký hợp đồng làm công tác địa chính tại địa phương. Năm 2001, ông Đô được UBND xã Ân Mỹ tuyển dụng, trở thành công chức địa chính xã. Tuy nhiên, khi Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21.10.2003 quy định “về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn” ra đời thì ông Đô nằm trong diện bị tinh giản biên chế.
Đến năm 2011, UBND huyện Hoài Ân tổ chức thi tuyển công chức, ông Đô dự tuyển vào vị trí công chức Địa chính - Xây dựng - Môi trường xã Ân Mỹ. Để có bằng cấp chuyên môn phù hợp với vị trí dự tuyển, ông Đô dùng bằng Trung cấp địa chính của người khác rồi tẩy xóa tên, bóc ảnh, thay tên và ảnh của mình vào bằng. Sau đó, sử dụng bằng giả này nộp cùng hồ sơ dự tuyển. Thời điểm đó các cơ quan chức năng không phát hiện; ông Đô được tham gia thi, trúng tuyển và công tác từ đó đến nay.
Tờ trình của UBND xã Ân Mỹ đề nghị UBND huyện Hoài Ân xem xét kỷ luật đối với ông Đô.
Ông Nguyễn Hà Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, xác nhận: Đầu tháng 7.2019, sau khi nhận đơn phản ảnh của người dân liên quan đến vấn đề bằng cấp, UBND xã mời ông Đô làm việc để xác minh, làm rõ. Xã đề nghị ông Đô cung cấp bằng Trung cấp địa chính gốc để kiểm chứng nhưng ông cho biết bằng gốc đã bị mất, chỉ còn bằng pho to công chứng.
Sau đó, các ngành chức năng của huyện Hoài Ân tiếp tục làm việc với ông Đô để xác minh, làm rõ. Kết quả làm việc cho thấy, bằng Trung cấp địa chính pho to công chứng đứng tên Lê Phước Đô là bằng giả. Cuối tháng 10.2019, UBND huyện Hoài Ân có kết luận liên quan đến việc sử dụng bằng cấp của ông Đô. Sau đó, UBND xã 3 lần mời ông Đô làm việc để thông báo, trao kết luận của huyện nhưng ông không tham dự. Đầu tháng 12.2019, UBND xã tổ chức họp kiểm điểm, thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đô.
“Trong tháng 12.2019, ông Đô không tới UBND xã làm việc nên địa phương tạm giữ lại số tiền lương tháng này của ông. Đồng thời, UBND xã có tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 4.12.2019 đề nghị UBND huyện Hoài Ân xem xét, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Đô theo đúng quy định pháp luật. Hiện xã đang chờ kết quả xử lý cuối cùng của UBND huyện Hoài Ân đối với trường hợp này”, ông Nguyễn Hà Thanh cho biết thêm.
VĂN LỰC