Nhiều nhãn hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu
Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đưa sản phẩm đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại tự do, đã có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng xuất khẩu.
Cục Hải quan Bình Dương đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương. Ảnh: Báo Tiền phong.
Đặc biệt từ giữa năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, Mỹ đã áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ở mức rất cao. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia ký kết, đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường đối tác sẽ được áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng cam kết nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định.
Để trốn thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ, lợi dụng ưu đãi thuế mà Việt Nam được hưởng, đã có những doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhưng thực chất không có hoạt động đầu tư, hoặc chỉ đầu tư những thiết bị lắp ráp thô sơ để lắp các phần nhập khẩu rời thành hàng nguyên chiếc, dán tem xuất xứ Việt Nam xuất đi Mỹ và EU.
Theo cơ quan Hải quan, những hiện tượng này đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong việc đảm bảo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, trên cơ sở tổng hợp 19 nhóm mặt hàng có rủi ro cao có kim ngạch tăng đột biến vào thị trường Mỹ và EU, Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra đối với 9 doanh nghiệp.
“Qua kiểm tra đã phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng giá kệ bếp bằng gỗ. Hiện Cục đang tiếp tục mở rộng kiểm tra đối với một số nhóm mặt hàng có độ rủi ro cao”, ông Cường cho biết.
Chia sẻ về hiện tượng gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng, cần phải làm rõ hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi thương mại Việt Nam ký kết với các nước là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam – Mỹ.
Ông Lộc đơn cử, thời gian qua Công ty TNHH xe đạp Excel là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc đã nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp và xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc. Sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh mà không qua giai đoạn gia công nào, chỉ nhằm lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Trước hiện tượng này, cơ quan kiểm tra đã chỉ ra đây là tình tiết vi phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp. Trong quá trình chứng minh và qua biên bản lấy lời khai, doanh nghiệp đã thừa nhận những hành vi này là cố ý. Cơ quan kiểm tra đã giải thích, để xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam theo Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ, doanh nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ, hoặc nếu tự chứng nhận xuất xứ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
“Doanh nghiệp cũng thừa nhận, toàn bộ quá trình này được thực hiện khi Bộ Công thương chưa có quy định và cấp cho doanh nghiệp quyền tự khai báo xuất xứ hàng hóa. Khi doanh nghiệp khai báo trên tờ khai Hải quan, mục ghi xuất xứ hàng hóa đã tự ghi chứng nhận xuất xứ là xuất xứ Việt Nam. Chỉ khi doanh nghiệp thừa nhận toàn bộ sự việc này là không có căn cứ cơ quan kiểm tra mới xử lý được. Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan nhận thấy, đây là điểm nhạy cảm nhất trong quá trình đấu tranh về chuyên đề này”, ông Lộc cho biết.
Nhằm ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra làm rõ những nghi vấn về gian lận xuất xứ Việt Nam. Trước mắt tập trung vào hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Các Cục Hải quan địa phương đã kiểm tra 9 doanh nghiệp, trong số 24 doanh nghiệp “nghi vấn”, đã phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ của 3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe điện, một doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm gỗ.
Cũng bởi do xe đạp và xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chỉ chịu thuế suất 5 -10% trong khi cùng loại hàng này xuất xứ Trung Quốc sang Mỹ phải chịu thuế 75%. Vì vậy, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất sang Mỹ sẽ hưởng lợi lớn về thuế.
Thời gian tới, lực lượng kiểm tra sau thông quan Cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra trên toàn quốc, tập trung vào các địa bàn có dấu hiệu rủi ro cao, tập trung nhiều doanh nghiệp mới thành lập từ cuối năm 2018 trở lại đây nhập khẩu hàng hóa là linh kiện, nguyện liệu, phụ tùng từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ và EU.
Trong đó tập trung mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng pin năng lượng mặt trời, đèn LED…Xử lý nghiêm các hành vi gian lận này, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến giản đơn quy định tại điều 9 nghị định 31/2018 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo Phạm Hạnh/VOV1