Trò đa năng, thầy đa nhiệm
Trong điều kiện chế độ cho VĐV còn nhiều hạn chế, khả năng lo cho nhiều VĐV có hạn, một số VĐV buộc phải thi đấu ở nhiều nội dung, cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng chính vì các em buộc phải đa năng để gắn bó với sự nghiệp thi đấu nên cả những người thầy cũng phải đa nhiệm theo. Họ không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, mà còn là chuyên gia tâm lý cho VĐV, nỗ lực tìm thêm kênh hỗ trợ VĐV trong tập luyện và thi đấu.
Tại Bình Định từng có một số bộ môn thể thao thành tích cao nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đã dần mai một do mất đi nhiều tài năng có tính hạt nhân, dẫn dắt, truyền cảm hứng. Nguyên nhân được một số người am hiểu chỉ ra rằng, đó không phải là do chuyên môn, mà do HLV chỉ biết dạy và đưa VĐV đi thi đấu. Còn lại họ khá máy móc, cứng nhắc hoặc ít quan tâm đến các yếu tố “phụ”, nhưng có sức tác động không nhỏ, như: Tâm lý VĐV, xây dựng ngân hàng thông tin về các đối thủ…Thật ra, nếu chuyên nghiệp, những công việc này đều có cán bộ phụ trách, chuyên gia, HLV riêng cho từng mảng. Nhưng như đã nói ở trên, trong hoàn cảnh cơ quan chủ quản không thể lo được nhiều nhân sự, để hoàn thành nhiệm vụ, để gắn bó với công việc mà mình đã chọn, nhiều người buộc phải đa năng, đa nhiệm.
VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh thường có xuất phát điểm ở các huyện, thị xã vào TP Quy Nhơn tập luyện từ nhỏ, xa nhà khi còn non nớt, rồi thiếu sự chăm lo của gia đình, trong khi chế độ còn hạn hẹp, tập luyện nặng, nên dễ nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ cuộc. Nếu thiếu người quan tâm chia sẻ, động viên, định hướng và giải tỏa những khúc mắc thì VĐV dễ “đứt gánh giữa đường” dù còn có tiềm năng phát triển tốt. Khi chưa thể bố trí những chuyên gia tâm lý, ai sẽ làm những việc đó nếu không phải là các HLV, hay nói như các em hay gọi - thầy cô.
Thực tế cho thấy, lực lượng VĐV trẻ ở một vài bộ môn đạt được thành tích cao thời gian gần đây của tỉnh đều là học trò của những người thầy “đa nhiệm”. Có người tự bỏ tiền túi để hỗ trợ thêm cho bữa ăn, chỗ ở của trò; có người hỗ trợ VĐV đi khám sức khỏe, tập huấn; có người lẳng lặng san sớt tiền thưởng của mình cho VĐV để học trò có thêm chút ít tiền chi dùng cho nhu cầu cá nhân, thậm chí cho hẳn khi trò đạt thành tích cao.
Một HLV giàu kinh nghiệm còn tâm sự, nhiều khi con mình đau, mà mình bận việc thì nói vợ đưa đi khám và chăm sóc. Nhưng nghe học trò mình đau hay có chuyện gì buồn là nhanh chóng đến phòng thăm hỏi, hỗ trợ. Người thầy này tiết lộ, thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, các em lanh hơn các thế hệ anh chị nhiều lần, tiếp cận được nhiều nguồn thông tin để so sánh đời sống của VĐV nơi này với nơi khác; thầy cô nào thực lòng thương học trò, tụi nhỏ biết hết. Vì vậy, một nguyên tắc cũ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị là muốn dạy được trò, thì thầy phải thương trò trước đã. Mà muốn dạy được mấy đứa nó thì mình phải đa nhiệm, trò đa năng mà thầy không đa nhiệm thì coi sao được.
MAI THƯ