Lan tỏa thói quen đọc sách
Ngày bé, tôi hay đọc ngấu nghiến những tờ báo cũ, sách cũ. Lớn hơn tí, khi đã biết đi xe đạp, tôi hay ra tiệm để thuê sách về đọc. Nhiều năm sau, khi quan sát, lắng nghe, tôi biết giới trẻ đã dần ít đọc sách. Chính vì vậy, tôi vui khi biết có một số bạn trẻ không chỉ giữ gìn thói quen đọc mà còn nỗ lực làm lan tỏa thói quen tốt này.
Giới thiệu sách tại buổi offline của Cộng đồng sách Quy Nhơn.
Hướng về các em học sinh nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, một nhóm khoảng 50 tình nguyện viên đã chung tay thành lập Dự án Thư viện xanh để trao tặng tủ sách và xây dựng thư viện cho các em.
“Lợi ích của việc đọc sách hẳn ai cũng biết, lần này, các em học sinh còn nhỏ không chỉ có ý thức về việc đọc mà còn có những hành động cụ thể để hâm nóng thói quen đọc sách cho mọi người. Đây là điều rất đáng vui mừng”.
Không rập khuôn, ở mỗi nơi dự án dừng chân, thư viện xanh lại mang đặc điểm văn hóa nơi đó. Nếu ở Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), thư viện xanh được trang trí bằng nhiều hình ảnh của biển cả, đại dương thì ở Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) hình ảnh được trang trí tại thư viện lại rất gần gũi với núi rừng. Hơn nữa, không chỉ dừng lại 1 lần, dự án sẽ quay lại thay đổi sách cho các em, định hướng loại sách các em đọc, tổ chức các hoạt động vui chơi.
Chị Thái Ngọc Sang, thành viên Ban chủ nhiệm Dự án, chia sẻ: Chúng tôi biết các em sẽ không thể thích đọc sách ngay, nhưng việc xây dựng thư viện xanh và tổ chức các hoạt động vui chơi ban đầu sẽ giúp các em dần dần chú ý đến sách. Định kỳ chúng tôi sẽ quay lại để sinh hoạt với các em và thay sách mới, đồng thời tiếp tục xây dựng thư viện xanh ở những nơi khác. Hiện tại chúng tôi cũng đang tìm hiểu các mô hình xây dựng thư viện xanh hấp dẫn hơn để các em thích mắt mà chú ý.
Không có điều kiện đi xa, gặp gỡ nhiều như những anh chị đã đi làm, một số bạn học sinh lớp 8, lớp 9, Trường THCS Quang Trung (TP Quy Nhơn) đã thành lập CLB Sách Readln. Dù chưa thể tổ chức gặp gỡ, tạo các sự kiện về sách nhưng các bạn có thể chọn lọc và review (viết giới thiệu) những cuốn sách hay trên trang của CLB. Bên cạnh đó, các bạn còn chia sẻ những thông tin thú vị về sách như mức đọc của người Việt so với các nước trên thế giới, ý nghĩa và cách đọc sách. Ngoài ra, các sự kiện về sách ở TP Quy Nhơn cũng được chia sẻ để các bạn khác tham khảo. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các bạn trẻ đã dần có những hoạt động góp phần giữ gìn thói quen đọc sách ở lớp, ở trường mình theo cách như vậy.
Phát hiện sự kiện offline sách lần đầu tiên của Cộng đồng sách Quy Nhơn trên facebook, tôi đã đăng ký tham gia vì… tò mò. Cũng như nhiều người tham gia buổi offline hôm đó, tôi thật sự ngạc nhiên khi biết người tổ chức sự kiện là các bạn học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương. Hôm ấy, ngoài những bạn trẻ còn có những người lớn tuổi, những chị đưa cả con nhỏ đến. Mọi người quây quần kể về sách và những câu chuyện sách. Có thể nói, đối với nhóm bạn trẻ, buổi offline đầu tiên là sự thành công ngoài mong đợi.
“Có người nói không có mấy ai đến đâu, nhưng tụi em vẫn mong muốn tổ chức. Thật không tả nổi niềm vui khi có nhiều người quan tâm, đón nhận đến vậy. Qua mỗi buổi offline, tụi em còn nhận được nhận xét, góp ý để lần sau tốt hơn”, bạn Mai Trúc Ly, thành viên phụ trách Cộng đồng sách Quy Nhơn, chia sẻ.
Cô Lê Thị Minh Phương, cựu giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, nhận xét: Lợi ích của việc đọc sách hẳn ai cũng biết, lần này, các em học sinh còn nhỏ không chỉ có ý thức về việc đọc mà còn có những hành động cụ thể để hâm nóng thói quen đọc sách cho mọi người. Đây là điều rất đáng vui mừng, hy vọng các em sẽ có những hoạt động hấp dẫn hơn nữa, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi hơn nữa. Đặc biệt, để thuyết phục nhất, các em nên là người đọc nhiều, đọc sâu hơn.
Có lẽ, thành công nhất ở các buổi offline của Cộng đồng sách Quy Nhơn là không chỉ thu hút những người yêu thích đọc sách đến mà có cả những người chưa bao giờ đọc sách. Do đó, dù chỉ mới hoạt động nhưng Cộng đồng sách Quy Nhơn được nhiều người gửi gắm hy vọng.
THẢO KHUY