Nợ xấu tăng cao nhưng vẫn chưa lộ hết
Báo cáo tài chính quý III.2013 vừa được công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã tăng nhanh và cao hơn so với hai quý trước đó. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm phần lớn tổng nợ xấu.
Sẽ còn tăng nữa
Theo báo cáo, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,67% cuối 2012 lên 2,47% vào thời điểm 30.9.2013. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,5 lần lên 5.400 tỷ đồng. Xét về giá trị tuyệt đối, Vietinbank còn vướng hơn 8.500 tỷ nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang chiếm 2,98% tổng dư nợ, tăng so với mức 2,4% thời điểm đầu năm 2013. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn là 2.683 tỷ đồng, tăng đến 85%.
Ngân hàng Quân đội cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,58% sau 9 tháng. Trong số 2.000 tỷ đồng nợ xấu, có gần một nửa là nợ có khả năng mất vốn.
Ngân hàng Kỹ thương cũng có tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên 5,93% so với mức 2,7% hồi đầu năm 2013.
Ngân hàng TMCP Nam Việt có tổng nợ xấu tới 1.034,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,78% tổng dư nợ tín dụng, tăng tới 42,4% so với đầu năm. Trong cơ cấu nợ xấu của Nam Việt, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) với mức tăng 71,5% sau 9 tháng, lên 418,8 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 3,3% lên 119,6 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,3% lên 496,3 tỷ đồng, chiếm 48% tổng nợ xấu.
Nợ xấu tại Ngân hàng Á châu cũng gia tăng so với cùng kỳ, hiện chiếm 3,34% trên tổng dư nợ. Riêng nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng gấp hơn ba lần, tới 2.341 tỷ đồng. Tổng cộng tính đến 30.9, ACB có 3.491 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 36% so với đầu năm.
Nói về nợ xấu cao, các ngân hàng cho biết, đang tiến tới phân loại nợ xấu theo Thông tư 02 dù chưa chính thức phải thực hiện nên tăng hơn thường lệ.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng thừa nhận nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên, không chỉ với khoản vay cũ, mà ngay cả với những khoản vay mới giải ngân. Nguyên nhân chính là hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, trong khi tài sản thế chấp vay chính là dòng tiền bán hàng của DN.
Các khoản vay nhiều rủi ro nhất, khiến cho nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng lên chủ yếu của doanh nghiệp. Một số ngân hàng nhìn nhận, hiện nợ xấu trong các doanh nghiệp thủy hải sản đang tăng do kinh tế chung suy thoái, xuất khẩu không có đầu ra.
Chỉ là “chưa bị lộ”
Theo đánh giá của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu vì các khoản nợ cũ quá hạn đang tăng lên trong khi huy động mà không cho vay ra được. Dù thế, số liệu mà các ngân hàng báo cáo có thể vẫn chưa chính xác. Tình trạng nợ xấu có thể tồi tệ hơn so với những gì mà chúng ta được biết. Con số này vẫn thấp xa so với thực tế bởi các ngân hàng vẫn đang giấu nợ, ông Kiêm nhận xét.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng” ngày 19/8 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đặng Thanh Bình cho biết, số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu vô cùng nhiều.
Trong một diễn đàn kinh tế mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cũng công nhận thực tế nợ xấu của ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều. Tính toán sơ bộ của Ủy ban này thì có ngân hàng nợ xấu lên tới 40%
Còn trả lời chất vấn về vấn đề nợ xấu tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc ngày 21.8.2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay khi thanh tra 9 tổ chức trong đề án tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước phát hiện có tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, 60%, thậm chí một số tổ chức còn lỗ đến mức âm vốn điều lệ.
Thời gian tới, khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, chắc chắn con số nợ xấu sẽ tăng vọt và khiến cho sổ kế toán của các ngân hàng xấu đi nhiều so với hiện nay. Nếu áp dụng, ngay lập tức nhiều ngân hàng sẽ lộ ra tình trạng thiếu rất nhiều vốn.
Theo các chuyên gia, báo cáo phải minh bạch thì mới có được kế hoạch xử lý tin cậy. Sẽ tốt hơn nếu các ngân hàng tự báo cáo con số thực tế về nợ xấu và trích lập dự phòng. Bởi vấn đề nợ xấu không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là thành lập Công ty quản lý nợ mà đi kèm với nó còn nhiều giải pháp khác. Không có con số thực sẽ không có các giải pháp hữu hiệu.
Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, các ngân hàng hiện đang thừa rất nhiều vốn và DN thiếu vốn, nhưng lại không gặp được nhau chính là vì nợ xấu. Nếu không giải quyết nợ xấu thì sẽ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tiếp tục bị rơi rụng, ngưng hoạt động do thiếu vốn, và như vậy khó tính tới chuyện phục hồi kinh tế.
. Theo Trần Thủy (VNN)