Tăng viện phí với người không dùng BHYT
Ngày 28.12, các cơ sở y tế công lập của tỉnh bắt đầu áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tối đa đối với người không có thẻ BHYT. Có 9 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, 11 dịch vụ ngày giường điều trị, 1.937 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm được điều chỉnh giá.
Điều chỉnh thực hiện theo Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí trong một số trường hợp. Điều chỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tháng 12.2019.
Tăng bình quân 1,1 - 4,4%
Lần điều chỉnh này, bình quân giá ngày giường bệnh tăng 4,4%, dịch vụ y tế tăng 1,1% so với trước đây; một số dịch vụ được điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, mức giá dịch vụ ngày giường điều trị đối với hồi sức tích cực, ghép tạng, hoặc ghép tủy, ghép tế bào gốc ở mức 705 nghìn đồng (bệnh viện hạng I), 602 nghìn đồng (bệnh viện hạng II). Ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu 427 nghìn đồng (bệnh viện hạng I), 325 nghìn đồng (bệnh viện hạng II), 282 nghìn đồng (bệnh viện hạng III) và 251,5 nghìn đồng (bệnh viện hạng IV). Ngày giường bệnh nội khoa, ngoại khoa, bỏng được quy định cụ thể cho từng loại, hạng bệnh viện. Đây là giá ngày giường bệnh điều trị nội trú chưa bao gồm chi phí máy thở và khí y tế. Riêng ngày giường bệnh ở trạm y tế xã là 56.000 đồng.
Từ 28.12.2019, tăng giá dịch vụ y tế với bệnh nhân không có thẻ BHYT.
Trong dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá tăng cao ở dịch vụ khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động (không kể xét nghiệm, X-quang) với 450 nghìn đồng, tăng 100 nghìn đồng; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ và khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa (không kể xét nghiệm, X-quang) là 160 nghìn đồng, tăng 40.000 đồng…
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, hồi cuối tháng 11.2018, Bộ Y tế có Thông tư 37/2018 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Tuy nhiên, ngày 4.5.2019, Bộ đề nghị các tỉnh tạm ngưng, để tính toán tác động điều chỉnh giá dịch vụ y tế đến chỉ số giá tiêu dùng địa phương. “Đến thời điểm này, việc điều chỉnh giá viện phí áp dụng mức giá tối đa theo Thông tư 37, Thông tư 14 được thực hiện trên cơ sở không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ KCB mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ (từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng). Điều chỉnh này đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt giá KCB của người bệnh không có BHYT và người có BHYT trong cùng một cơ sở KCB”, ông Hùng cho biết.
Tạo động lực để người dân tham gia BHYT
Đại diện nhiều cơ sở y tế cho hay, việc điều chỉnh giá các dịch vụ KCB tối đa đối với người không có thẻ BHYT lần này không có tác động nhiều, bởi có khoảng 95% bệnh nhân đến KCB là theo diện BHYT. Theo bác sĩ CKII Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến (BVĐK tỉnh), việc áp dụng mức giá tối đa không làm ảnh hưởng đến người nghèo, người nhiễm HIV, bệnh nhân phong có di chứng tàn tật vì đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và người thuộc gia đình cận nghèo được hỗ trợ 85% chi phí mua thẻ BHYT (chính sách của tỉnh và của Trung ương). Trong khi đó, việc áp dụng mức giá đã tính cả chi phí tiền lương, giúp bệnh viện tự chủ tài chính như BVĐK tỉnh hoạt động tốt hơn.
ThS Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (TTYT TP Quy Nhơn) cho biết, trước đó Trung tâm đã thực hiện công tác chuẩn bị, cài đặt lại phần mềm, cập nhật bảng giá viện phí mới ở khoa khám bệnh, quầy thanh toán viện phí nội trú, ngoại trú cho bệnh nhân ngoài BHYT. Đối với người bệnh bắt đầu điều trị tại cơ sở KCB trước thời điểm Thông tư 14/2019 của Bộ Y tế có hiệu lực, tiếp tục áp dụng mức giá quy định ở thời điểm bắt đầu điều trị cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.
Theo ông Lê Quang Hùng, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT trong tỉnh đạt gần 92%, số còn lại chưa có thẻ BHYT tập trung chủ yếu vào đối tượng tham gia BHYT tự nguyện và một bộ phận nhỏ hộ gia đình cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 85% chi phí mua thẻ BHYT nhưng chưa tham gia. “Việc áp dụng mức giá tối đa theo Thông tư 14/2019 sẽ tạo động lực cho người dân chưa tham gia BHYT sẽ tham gia để khi ốm đau, bệnh tật sẽ giảm chi phí KCB, giảm gánh nặng kinh tế. Đối với các cơ sở y tế, đây cũng là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ nhân dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
THU HIỀN