Máu cung cấp điều trị dịp Tết: Ðến hẹn lại... lo!
Không chỉ lo cho đợt nghỉ Tết dương lịch, lượng máu cần dự trữ phục vụ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có thể lên đến 1.000 đơn vị. Chuyện thiếu máu gần như đã sừng sững trước mắt các thầy thuốc.
Ngay tháng 12.2019, kho máu Trung tâm Huyết học - Truyền máu (BVĐK tỉnh) liên tục trống rỗng. Sáng 29.12, lượng máu trong kho còn chưa đến 100 đơn vị. Giải quyết căng thẳng máu điều trị cho chỉ 1 ngày nghỉ Tết dương lịch, ngay trong ngày 29.12, 267 đơn vị máu đã được huy động từ cán bộ, công chức các đơn vị và người dân hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Phù Cát. Các công đoạn xử lý máu, sản xuất chế phẩm máu được tiến hành khẩn trương để đưa vào dự trữ.
Nhu cầu máu ngày càng tăng nhanh
Hiến máu đợt này ngoài Phù Cát, còn có 300 chỉ tiêu đến từ ngành Y tế tỉnh, song cuối cùng, ngành Y tế đành dời lại biến thành “của để dành” để đến giữa tháng 1.2020 mới dùng đến nhằm phục vụ những đợt tiếp máu trong thời điểm căng thẳng - Tết Nguyên đán. Bác sĩ CKII Võ Đình Lộc, Phụ trách Trung tâm Huyết học – Truyền máu than thở: “Căng nhất là kế hoạch dự trữ máu điều trị cho 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các kế hoạch hiến máu liên tục phải điều chỉnh và bổ sung, bởi nhu cầu sử dụng máu của 15 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng”.
Sản xuất chế phẩm máu tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu chiều 29.12, để đưa vào kho lưu trữ phục vụ điều trị ngày nghỉ Tết dương lịch 2020.
Hiện nay, Trung tâm Huyết học - Truyền máu trở thành “ngân hàng máu” cung cấp máu điều trị cho 15 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi ngày trung tâm xuất ra 140 đơn vị máu, trong số này riêng BVĐK tỉnh đã ngốn hết chừng 100 đơn vị máu.
Bác sĩ CKII Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến (BVĐK tỉnh), cho hay, là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị và phẫu thuật của tỉnh Bình Định, trong số 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú, có khoảng 7% - 10% bệnh nhân cần truyền máu. Không riêng các khoa cấp cứu, phẫu thuật như: Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức ngoại, các khoa lâm sàng cũng cần một lượng máu rất lớn. Với những ca mổ đã lên lịch, có thể được dự tính lượng máu cần dùng và chuẩn bị trước. Nhưng với cấp cứu thì không thể. Có những bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu, lượng máu cần truyền trong một lần có thể lên tới 10 lít máu, tương ứng 40 đơn vị máu (250 ml/đơn vị).
Ngoài BVĐK tỉnh, đến thời điểm này, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các kỹ thuật cao, với lượng máu sử dụng ngày càng lớn như: BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TP Quy Nhơn, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, BVĐK tỉnh - phần mở rộng…
Lý giải nguyên nhân thiếu máu, bác sĩ Võ Đình Lộc phân tích, năm 2019, nguồn máu phục vụ điều trị thiếu nhiều bởi 2 tháng 10 - 11.2019, các đơn vị tổ chức hiến máu phải hoãn do mưa bão, lũ lụt. Trong khi đó, dịch vụ kỹ thuật y tế ngày càng phát triển và mở rộng trên toàn tỉnh, nhu cầu máu tăng theo về số lượng và thành phần máu. Những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện tại Bình Định phát triển rất tốt, dù vậy tỷ lệ người tham gia hiến máu chỉ mới đạt hơn 1% dân số, trong khi nhu cầu phải là 2% mới đủ.
Lễ hội Xuân hồng từ tháng 1 - 3.2020
Để chủ động bổ sung 1.000 đơn vị máu phục vụ cấp cứu, điều trị, Trung tâm Huyết học - Truyền máu đã họp với Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức lễ Hội Xuân hồng - Xuân Canh Tý từ tháng 1 - 3.2020. Tăng cường công tác chỉ đạo và vận động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cùng với nhân dân trong tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện nhằm bổ sung lượng máu sẵn sàng trước kỳ nghỉ Tết.
Đến ngày 30.12, kế hoạch tổ chức hiến máu tình nguyện tháng 1.2020 cũng được Trung tâm Huyết học - Truyền máu bổ sung với chỉ tiêu 2.070 đơn vị máu hiến từ 7 địa phương, đơn vị. Trong đó, “chủ công” máu điều trị 7 ngày nghỉ Tết là: Đoàn thanh niên BVĐK tỉnh - phần mở rộng, CLB 25 (Hội Chữ thập đỏ), Đoàn khối các DN tỉnh và ngành Y tế.
Dù vậy, bác sĩ Võ Đình Lộc cũng khẳng định chỉ ở mức tạm ổn, bởi thực tế lượng máu hiến thường chỉ đạt 60% - 70%. Chưa kể, lượng máu theo chỉ tiêu vận động chỉ đáp ứng ưu tiên điều trị, cấp cứu TNGT, xuất huyết tiêu hóa, phẫu thuật; trường hợp cấp cứu hàng loạt gần như không thể! Việc huy động lực lượng sẵn sàng hiến máu dịp tết rất khó khăn, bị động, bởi đây là thời điểm mọi người thăm viếng, vui chơi và tham quan du lịch. “Chúng tôi sẽ sử dụng trang mạng xã hội như facebook, zalo… kêu gọi mọi người có tấm lòng nhân ái tham gia hiến máu cứu người. Mặt khác, huy động nguồn hiến máu từ người nhà bệnh nhân, các thành viên trong CLB 25 (Quy Nhơn) và CLB Hiến máu hữu ích (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn). Đây là nguồn “máu sống” dự phòng trong trường hợp thiếu máu cấp cứu đột xuất”, bác sĩ Võ Đình Lộc nhấn mạnh.
Không chỉ Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, các cơ sở y tế cũng lên kế hoạch ứng phó tình trạng thiếu máu. Bác sĩ CKII Lê Văn Hoàng, khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh), cho hay, trong khoảng 400 bệnh nhân chạy thận chu kỳ, hết phân nửa phải lọc máu hàng ngày. Tuy nhiên, dịp tết ưu tiên truyền máu những ca cấp cứu, thiếu máu nặng, hoặc mất máu do xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng nặng. Nếu chỉ dựa vào nguồn máu hiến thì không kham nổi, chúng tôi còn huy động người nhà bệnh nhân thực hiện “đổi máu” để đảm bảo nguồn máu điều trị.
THU HIỀN