Ðể tạo niềm tin cho người dân
Tiếp nhận, giải quyết tốt kiến nghị của cử tri là điều kiện quan trọng để tạo niềm tin cho người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để địa phương tập trung phát triển KT-XH.
Trong năm 2019, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và các kênh thông tin khác, UBND tỉnh đã tiếp nhận 683 ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh về các vấn đề liên quan đến tình hình KT-XH và an ninh - quốc phòng. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị đều là những vấn đề rất thiết thực, liên quan trực tiếp đến tình hình KT-XH, bảo vệ môi trường, đời sống, việc làm của các tầng lớp nhân dân và công tác ANTT tại các địa phương.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
- Trong ảnh: Cử tri phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) nêu ý kiến về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn.
Qua đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan giải quyết, trả lời 664 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, giải quyết, trả lời 167/169 kiến nghị trên lĩnh vực NN&PTNT; 143/145 kiến nghị trên lĩnh vực GTVT; 83/89 kiến nghị trên lĩnh vực TN&MT, giải phóng mặt bằng; 27/28 kiến nghị trên lĩnh vực công thương, điện lực…
Còn UBND tỉnh trực tiếp giải quyết, trả lời dứt điểm 536 kiến nghị; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra, đề xuất hướng giải quyết 87 kiến nghị và chuyển cho các cơ quan Trung ương kiến nghị giải quyết 41 nội dung không thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đáng chú ý, một số nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; bồi thường giải phóng mặt bằng… có nhu cầu vốn rất lớn trong khi khả năng cân đối của ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, phải có thời gian và lộ trình giải quyết theo thứ tự ưu tiên đối với các công trình cấp bách, bức xúc ở địa phương. Do đó, UBND tỉnh đang nghiên cứu và đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Bên cạnh tiếp xúc cử tri, một trong những “kênh” tiếp nhận kiến nghị của cử tri, công dân là hoạt động tiếp công dân. Để thực hiện tốt khâu này, UBND tỉnh xác định người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân); triển khai thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 11.9.2019 của UBND tỉnh về tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, tiếp công dân phải gắn với việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, cử tri; không để kéo dài, gây bức xúc, khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan cấp trên. Tổ chức tốt việc tiếp dân đột xuất để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, đông người khi mới phát sinh.
Trên thực tế, giải quyết rốt ráo kiến nghị của cử tri có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân. Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XII tổ chức mới đây, đại biểu Nguyễn Thanh Trà (đơn vị Tây Sơn) chia sẻ câu chuyện cử tri rất bức xúc về việc Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc gây ảnh hưởng môi trường ở nhiều địa phương, đặc biệt là gây sạt lở ven sông Côn, làm mất đất sản xuất của người dân Tây Sơn.
“Gây hại lớn cho người dân nhưng lại né tránh đền bù, lần lữa năm này qua tháng nọ. Mỗi lần tiếp xúc cử tri thì cử tri lại chất vấn đại biểu, nói đại biểu thất hứa. Không giải quyết dứt điểm được chuyện này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của cử tri”, ông Trà nói.
MAI LÂM