Gỡ “thẻ vàng EC”: Cần tăng hiệu quả thực thi khung pháp lý
Song song với ghi nhận những chuyển biến của ngành thủy sản Việt Nam, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (Đoàn thanh tra EC) cho rằng một trong những vấn đề lớn Việt Nam cần lưu ý là thực hiện nhiều biện pháp để tăng hiệu quả thực thi Luật Thủy sản.
Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn hạn chế. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Những tín hiệu tích cực
Vào tháng 11 vừa qua, sau khi đi kiểm tra việc thực thi các khuyến nghị về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Đoàn thanh tra EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC, đặc biệt là hệ thống dữ liệu tàu cá.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường cho biết: 9 nhóm khuyến nghị mà EC dành cho Việt Nam yêu cầu tập trung vào việc thay đổi, hoàn thiện cả về thể chế, công cụ, cách kiểm soát.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc khắc phục các khuyến nghị của EC đã đạt nhiều chuyển biến quan trọng. Điển hình như đã kiểm soát lỗi lớn nhất là vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp ngoài hải phận. Hiện nay, tại vùng quốc đảo Thái Bình Dương đã không còn trường hợp nào vi phạm. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, kiểm soát, kê khai tàu cá tổng thể đã có bước tiến nhất định…
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản đã được triển khai và vận hành thí điểm từ tháng 5/2019, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 2.618 chiếc; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m là 28.923 chiếc.
Từ tháng 9/2019, các địa phương ven biển, các cơ quan chức năng liên quan có thể truy cập hệ thống giám sát tàu cá để khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đoàn thanh tra EC đánh giá, Việt Nam cũng đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước như: Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang) đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.
Thông qua việc ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển, Việt Nam đã thể hiện được sự nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác.
Thực tế, UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã xây dựng kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị, tập trung triển khai thực hiện, đạt được nhiều chuyển biến tích cực; đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường các quốc gia, quốc đảo Nam Thái Bình Dương; cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu được tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài như các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên.
Không đóng mới tàu cá nếu còn vi phạm
Uỷ ban châu Âu đã có công thư (MARE B4/SPM Ares (2019) thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam, cụ thể như sau:
Tiến độ ban hành 2 nghị định còn chậm so với cam kết, mức xử phạt trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP còn nhẹ so với khu vực; một số thời hạn về đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên rất khó khả thi…
Việc triển khai Luật Thủy sản và các văn bản còn nhiều hạn chế như: Chưa triển khai thực hiện kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm theo quy định tại Điều 70, Nghị định 26/2019/NĐ-CP; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện còn nhiều lỗi kỹ thuật…
Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững. Cùng với đó, theo đánh giá của đoàn công tác thì tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.
Dựa trên các nhận định này, Ủy ban châu Âu khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai tất cả các cơ chế cần thiết để đảm bảo triển khai khung pháp lý mới một cách hiệu quả. Đặc biệt là tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện khung pháp lý và công tác thực thi pháp luật trong thực tế.
Để quản lý chặt chẽ hơn về đội tàu cá, cần dứt điểm, cấm đóng mới tàu cá, thu hồi giấy chấp thuận đóng mới đối với các trường hợp chưa triển khai đóng tàu. Đồng thời, đánh giá nguồn lợi hải sản định kỳ 3 năm/lần và xây dựng các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản. Việt Nam cần xây dựng lộ trình giảm tàu, cấp hạn ngạch khai thác đối với một số loài/nhóm loài, hoặc hạn chế ngày khai thác trên biển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá vì đây là yếu tố then chốt trong việc cải thiện công tác quản lý nghề cá tại Việt Nam.
Đặc biệt, Đoàn thanh tra EU cũng chỉ ra nhiều nội dung trong thực thi pháp luật về thủy sản cần được hoàn thiện nhanh chóng và thực hiện có giám sát kỹ lưỡng hơn. EC cũng khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.
Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác khai thác IUU trong 6 tháng tới. Việt Nam phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo giám sát trước ngày 15 tháng 5 năm 2020.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT hiện vẫn còn 8 tỉnh có vi phạm những vấn đề EC đưa ra khuyến cáo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ cùng nhau làm việc với 8 địa phương này để chấm dứt ngay vi phạm, tiến tới tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt trước châu Âu.
Theo Đỗ Hương (Chinhphu.vn)