Một thoáng Quy Nhơn ở xứ Kim Chi
Chúng tôi đến Seoul vào đầu tháng 9.2019. Không khí thật mát mẻ và trong lành. Có nhiều cách để đến con đường mang tên Quy Nhơn ở quận Yongsan, TP Seoul, và chúng tôi chọn phương tiện giao thông công cộng để đi.
Tên đường “Quy Nhơn” được in trên mặt đường bằng đá.
Đầu tiên là phải có thẻ T-Money. Thẻ này dùng được cho xe bus, tàu điện ngầm, hoặc thanh toán mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi. Từ ga Janghangpyeong, chúng tôi bắt tàu điện line màu tím đến ga Cheonggu để đổi sang line số 6 đến ga Itaewon. Nhớ ra cổng số 4 để đến đường Quy Nhơn gần nhất nhé. Và rồi tên đường Vietnam Quy Nhon-gil hiện ra trước mắt chúng tôi.
Let’s go! Hãy cùng chúng tôi khám phá con đường này nhé. Bước vào đoạn đường mang tên Vietnam Quy Nhon-gil, cảm xúc bồi hồi khó tả. Quả là điều mới mẻ và đầy tự hào với một người Quy Nhơn như tôi. Cả một vùng đất võ trời văn như hiển hiện trước mặt, bởi tên thành phố biển yên bình, thơ mộng quê mình đã được đặt cho một trong những nơi sầm uất của thủ đô Seoul. Con đường được xây dựng với hàng trăm khối đá bazan dạng khối lập phương, được xử lý và lát tỉ mỉ, phẳng phiu. Mỗi ngày, nơi đây có hàng nghìn người qua lại, đến và ghé vào các quán nước, quán nướng, nhà hàng để thưởng thức các món ăn, những cốc bia mát lạnh.
Bảng đồng trên cột đặt tại đường Quy Nhơn - gil ghi lại mối quan hệ kết nghĩa giữa quận Yongsan và TP Quy Nhơn.
Ngược lại lịch sử, năm 1996, đoàn đại biểu quận Yongsan lần đầu tiên đến thăm TP Quy Nhơn và hai bên cùng ký bản ghi nhớ thỏa thuận. Năm 1997, quận Yongsan và TP Quy Nhơn thiết lập mối quan hệ kết nghĩa. Năm 2013, quận Yongsan và TP Quy Nhơn, tổ chức AmorePacific và Bệnh viện ĐH Soonchunhyang Seoul cùng nhau thành lập Trung tâm Điều trị bệnh đục thủy tinh thể tại Quy Nhơn. Năm 2016, Viện King Sejong Quy Nhơn được thành lập. Năm 2016, đường Quy Nhơn và vườn Quy Nhơn theo chủ đề Việt Nam được thành lập.
Nếu có dịp đến Seoul, hãy nhớ tìm đến đường Quy Nhơn để có những trải nghiệm thú vị nhé!
NGUYỄN DŨNG