Ðể phát triển AI Bình Định cần có cơ chế sandbox tốt
Với mong muốn là địa phương tiên phong phát triển về Trí tuệ nhân tạo (AI), Bình Ðịnh đã và đang nỗ lực để sớm khởi động Ðề án xây dựng Khu đô thị AI đầu tiên ở Việt Nam. Dù vậy, vì đây là lĩnh vực mới mẻ nên các khó khăn về cơ chế, chính sách đang là một trở ngại đáng kể. Ðể giải quyết việc này, TS Võ Gia Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, Bình Ðịnh cần một cơ chế sandbox phù hợp để tiến hành thuận lợi mọi việc liên quan.
Sandbox được hiểu là việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm trong phạm vi hạn chế. Đâu là cơ sở để ông cho rằng, Bình Định đang cần điều này?
- Áp dụng cơ chế sandbox nghĩa là Nhà nước cho phép những dự án, đề án về AI tại Bình Định được hoạt động trong môi trường luật “mang tính thử nghiệm” với các ưu đãi dành riêng và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ các thể chế tài chính, chính sách đặc thù.
TS Võ Gia Nghĩa báo cáo về Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn tại Diễn dàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Luật đi chậm hơn thực tế nên DN rất cần có các sandbox” và đã giao Ngân hàng Nhà nước trình khuôn khổ pháp lý về sandbox. Trong định hướng phát triển về công nghệ thông tin (CNTT), chia sẻ tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT và truyền thông năm 2019 tổ chức ở tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Cơ quan nhà nước nên đi đầu trong việc ứng dụng cơ chế sandbox”. Do vậy, trong giai đoạn bước đầu xây dựng và phát triển AI ở Bình Định, ngoài hạ tầng dữ liệu, nguồn nhân lực…, Bình Định rất cần một cơ chế sandbox đặc thù, tạo đà để hình thành một trung tâm AI đủ mạnh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông, để mang lại được kết quả như mong muốn, phù hợp thì sandbox với Trung tâm AI của Bình Định nên như thế nào?
- Bình Định đã đặt mục tiêu phát triển AI như một công nghệ số trọng yếu, ứng dụng rộng rãi AI để xây dựng một đô thị số thông minh, một chính quyền số hiệu quả, hướng tới một nền kinh tế số tăng trưởng bền vững với năng suất lao động cao nhằm thay đổi vị thế hiện tại. Do vậy, việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển AI có thể đưa tới những tác động lan tỏa nhanh và mạnh mà hệ thống quản lý hiện hành có thể không theo kịp, nên việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm trong phạm vi hạn chế (sandbox) là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại Bình Định.
Cụ thể, một số chính sách quan trọng trước mắt mà Bình Định cần Chính phủ quan tâm đó là chủ trương cho phép triển khai Đề án Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn; cho phép áp dụng một số chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư vào khu đô thị này như đầu tư vào khu công nghệ cao và khu CNTT tập trung; được áp dụng chính sách thuế đối với cán bộ quản lý, chuyên gia đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp; được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, ngang bằng mức ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 26.5.2016 (cho phép thí điểm trong 5 năm tại Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn); cho phép các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt kiều công tác tại Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn hưởng một số chính sách ưu đãi. Và quan trọng hơn, đó là Trung ương ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách có mục tiêu cho việc triển khai Đề án theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.
Vậy đâu là những điều kiện cần và đủ để tỉnh Bình Định thuyết phục Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế sandbox, thưa ông?
- Bình Định mong muốn tiên phong phát triển về AI - công nghệ nền tảng của chuyển đổi số nên đã và đang xây dựng một môi trường thuận lợi thật sự để phát triển về AI và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đề án xây dựng Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo đã được UBND tỉnh khởi động và đang trong quá trình hoàn thiện. Qua đó, tỉnh đã ban hành Quyết định 2248/QĐ-UBND ngày 2.7.2019 thành lập Tổ công tác xây dựng đề án “Trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn”.
TMA Solutions đã đầu tư 10 triệu USD cho Công viên Sáng tạo TMA Quy Nhơn, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6.2020.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực CNTT đã quan tâm đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và xúc tiến kế hoạch triển khai những dự án CNTT mang tính khả thi cao. Đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn FPT nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp giáo
dục - Trí tuệ nhân tạo FPT Bình Định của tỉnh. Dự án có quy mô khoảng 150 ha với tổng số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng nằm trong dự án Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn. Một ví dụ khác là TMA Solutions cũng đã đầu tư 10 triệu USD cho Công viên sáng tạo TMA Quy Nhơn và dự kiến khánh thành đi vào hoạt động tháng 6.2020. Công ty phần mềm Fujinet Systems đã thành lập chi nhánh tại Bình Định với những dự án về AI dự kiến trên 1.000 nhân sự, hay sự quan tâm đầu tư về Quy Nhơn của Công ty phần mềm RikkeiSoft kết nối với những dự án của Nhật với hơn 1.000 nhân sự về phần mềm. Và sản phẩm AI tại Bình Định đã ra đời như hệ thống chatbox đa ngôn ngữ, giải pháp AI trong y tế, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xe tự vận hành, nghiên cứu mạng 4G, 5G… của FPT, TMA, Fujinet và Trường ĐH Quy Nhơn.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư nước ngoài, dù mới chỉ dừng lại ở việc ký biên bản hợp tác ghi nhớ, nhưng riêng việc họ đến và đặt vấn đề tìm hiểu cũng là tín hiệu đáng phấn khởi. Có thể kể đến đoàn các nhà đầu tư đến từ Đức do ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam dẫn đầu; một số công ty, tập đoàn đến từ Nhật Bản như Tập đoàn Brain Works (BWG), Tập đoàn Mitsubishi, Tập đoàn NTT Data, Công ty SCSK thuộc Tập đoàn Sumitomo… Họ thể hiện thiện chí hợp tác với tỉnh trên các lĩnh vực: CNTT, Công nghệ phần mềm, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Xây dựng thành phố thông minh…
Ngoài ra, Bình Định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một nền tảng kỹ thuật tốt, nguồn nhân lực CNTT dồi dào chuẩn bị cho việc hình thành Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn. Cụ thể đó là việc quy hoạch 468 ha cho Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn; Hệ thống viễn thông quốc tế mạnh cho các DN xuất khẩu phần mềm (hệ thống cáp quang biển quốc tế SJC2 (Đông Nam Á - Nhật Bản) kết nối trực tiếp từ Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á và đến Quy Nhơn, Bình Định (điểm tại Việt Nam)); hệ thống giao thông thuận lợi có các chuyến bay quốc tế, 3 trường đại học (ĐH Quy Nhơn, ĐH Quang Trung, Phân hiệu ĐH FPT-AI) và các trường cao đẳng với lượng sinh viên kỹ thuật ra trường hàng năm rất lớn.
Như vậy có thể nói Bình Định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi việc, tạo cơ sở và niềm tin để Chính phủ cho phép Bình Định được triển khai đề án Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
NGỌC TÚ (Thực hiện)