"Lá phổi xanh" trong lòng thành phố
"Điểm đến" của mọi người
Giữa năm 2019, thảm sân cỏ rộng lớn ở khu đất tiếp giáp 4 tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh - Lê Duẩn - Trần Thị Kỷ đột ngột bị đào xới làm không ít cư dân thành phố băn khoăn. Đến khi được thông tin đây là dự án quy hoạch, chỉnh trang khu vực này để có một không gian xanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng, người dân mới thở phào và vui mừng. Chỉ vài tháng sau, “bàn cờ cỏ” với kích thước 9,4 m x 9,4 m tại nơi này đã trở thành một “điểm đến” thư giãn, vui chơi, luyện tập TDTT...
Góc công viên trên đường Nguyễn Tất Thành - Phạm Hùng với nhiều thiết bị, dụng cụ vui chơi ngoài trời là nơi hấp dẫn với các em nhỏ mỗi buổi chiều.
Mặt trời đã lặn từ lâu, nhưng chị Lương Thị Viên (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn chưa thuyết phục được hai cậu con trai rời các thiết bị, trò chơi ngoài trời tại công viên trên đường Nguyễn Tất Thành - Phạm Hùng để về nhà cùng mẹ.
Chị Viên kể: “Mình là nhân viên điều dưỡng tại BVĐK tỉnh, nhà ở gần Cầu Đôi, hơi xa. Nhưng cứ hôm nào mẹ không có ca trực là con lại năn nỉ chở xuống công viên để được chơi cho thỏa thích sau giờ học. Bé nào cũng yeah, yeah phấn khích khi đặt bước chân đầu tiên xuống công viên”. Bà Võ Thị Như Mai (66 tuổi, ở đường Tăng Bạt Hổ, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) góp thêm: “Nhà ở phố, diện tích không lớn. Công viên là nơi để hai đứa cháu chạy nhảy, bớt dán mắt vào điện thoại, từ đó dạn dĩ hơn, giao tiếp tốt hơn”.
Công viên cũng là nơi chất chứa những kỷ niệm đáng nhớ của bao thế hệ học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn TP Quy Nhơn. Đây là nơi của những trận cầu, trận bóng mỗi chiều, là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, cũng là nơi nhiều bộ ảnh kỷ niệm ra đời. Cũng ở công viên, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người mắc bệnh tai biến nhẫn nại nhấc từng bước chân với mong ước phục hồi lại một phần chức năng đã bị ảnh hưởng. Thi thoảng, vào một buổi trưa lộng gió nào đó của thành phố, dưới tán cây lớn trong lòng công viên, một bác xích lô, bác xe ôm gửi tạm giấc ngủ vội, như một cách “sạc pin” giữa cuộc mưu sinh.
Thời điểm các công viên, hoa viên nhộn nhịp nhất là lúc sáng sớm và chiều tà mỗi ngày. Đây là lúc các thanh niên chạy bộ, cụ ông, cụ bà dạo bộ, luyện tập thể dục.
Xu thế xanh
Người ta ví cuộc sống của cư dân đô thị hiện đại bó hẹp trong những “cái hộp”. Tất cả các hoạt động: Ăn, ngủ, làm việc, học tập đều diễn ra trong những bức tường bê tông. Công viên, không gian công cộng được xem là “lá phổi xanh” cung cấp dưỡng khí, tái tạo năng lượng cho mọi người. Công viên rộng mở với tất cả mọi người, không phân biệt bạn là người giàu hay người nghèo, là người lành lặn hay khiếm khuyết, bệnh tật.
Công viên thiếu nhi Quy Nhơn được một nhóm thiện nguyện chọn tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà cho các em nhỏ mồ côi nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.
Không bề thế, rộng lớn như công viên của các thành phố lớn, công viên ở TP Quy Nhơn có diện tích nhỏ, song lại rộng khắp, bố trí ở hầu hết địa bàn thành phố. Có khoảng 100 công viên, không gian công cộng lớn nhỏ trên toàn thành phố với diện tích khoảng 100 ha. Tổng diện tích cỏ, cây, hoa của các công viên hiện khoảng 42 ha, gấp đôi so với cách đây 20 năm. Bình quân mỗi năm, thành phố chi vài tỷ đồng cho công tác chăm sóc, quản lý, mua sắm, lắp đặt, bảo dưỡng các thiết bị, dụng cụ, duy trì các hạ tầng kỹ thuật... cho công viên.
Có 10 ngày sinh sống và làm việc tại TP Quy Nhơn, GS Jeon Kisuk (66 tuổi, Trường ĐH Yonsei, Hàn Quốc) từng chia sẻ: “Tôi thích các tuyến công viên dọc biển và các công viên nhỏ trải đều trong lòng thành phố. Phần lớn người dân thành phố chỉ cần đi bộ là có thể đến được công viên. Họ trò chuyện với nhau, tập đi cho con, đút cho con ăn... Cả một xã hội thu nhỏ ngay tại công viên. Điều đó tạo cảm giác bình yên và ấn tượng với tôi”.
Theo ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty CP Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn: “Mật độ công viên cây xanh hiện tại của TP Quy Nhơn là 13 m2/người. Đây là một con số khá cao. Tuy nhiên, nếu định hướng tập trung phát triển thành phố dịch vụ du lịch, chúng ta cần nâng mật độ công viên cây xanh lên 25 m2/người, gấp đôi so với hiện tại”.
AN PHƯƠNG