Sức sống mới ở Hòa Thuận
Hòa Thuận là thôn đặc biệt khó khăn của xã Tây Thuận (Tây Sơn). Cách đây 10 năm, đường vào thôn Hòa Thuận khá ngoằn ngoèo và cách xa trung tâm xã. Khi trời nắng, người lớn, trẻ con đi chợ, đi học xa hàng chục cây số nhưng cũng cố gắng được, còn trời mưa hoặc mùa nước lũ, bà con hầu như không ra khỏi thôn, trẻ em phải nghỉ học vì không có cầu. Thôn bị cô lập, đời sống người dân bộn bề khó khăn.
Thôn khó khăn Hòa Thuận ngày càng “thay da đổi thịt”.
Ấy vậy mà, đến Hòa Thuận vào những ngày giáp Tết nguyên đán Canh Tý, chúng tôi cảm nhận không khí mới, sức sống mới đang căng tràn ở một thôn đã thoát khỏi diện “135”. Hình ảnh chúng tôi bắt gặp suốt dọc đường vào thôn là những đàn bò no cỏ đủng đỉnh về chuồng. Hai bên đường, lúa vụ Đông Xuân đang vào giai đoạn tỉa dặm xanh non. Những khu rừng bạt ngàn, phủ kín vùng đất hoang xưa.
Năm 2002, khi vừa tách ra từ thôn Tiên Thuận, hệ thống chính trị và nguồn cán bộ của thôn rất khó khăn. Ruộng của bà con trong thôn chủ yếu là ruộng bậc thang, đất bạc màu, nguồn nước không đảm bảo, hầu hết phải tự bơm tự tát nên chi phí sản xuất cao. Nguồn điện chập chờn, đủ phục vụ sinh hoạt nhưng không đủ phục vụ sản xuất… Cả thôn có đến gần 60% là hộ nghèo.
Ông Huỳnh Tấn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho hay: “Những năm qua, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của người dân, xã cũng đã tạo nhiều điều kiện để củng cố lại đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn”.
Cụ thể, những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia 135 dành cho thôn đặc biệt khó khăn và nhiều nguồn vốn khác, UBND xã Tây Thuận đã ưu tiên gần 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ bản phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con thôn Hòa Thuận. Trong đó, đầu tư xây dựng lại các đường giao thông liên thôn, liên xã, đặc biệt xây dựng tuyến đường bê tông xi măng dài hơn 3 km nối từ thôn đến thị tứ Đồng Phó (Tây Giang) với kinh phí 3 tỷ đồng. Xây dựng điểm trường mẫu giáo, Trường Tiểu học Hòa Thuận kinh phí 2 tỷ đồng, nhà văn hóa cộng đồng của thôn được xây dựng 970 triệu đồng và đầu tư 450 triệu đồng xây dựng trạm bơm điện phục vụ tưới cho 19 ha lúa ở xóm 3, xóm 4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã hỗ trợ 5,7 tỷ đồng xây dựng cầu Suối Cát nối liền thôn với xã Tây Giang, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. 100% hộ dân đã có điện sinh hoạt để dùng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 23 hộ/295 hộ, giảm hơn 50% so với năm 2003; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Thanh Đẩu, một người sống ở thôn đã hơn 60 năm, nói rằng: Sinh ra và lớn lên ở đây, ông cảm thấy rất bất ngờ và vui sướng về sự đổi thay, vươn mình đi lên của quê hương.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng thôn Hòa Thuận, cho biết thêm: “Trước đây, bà con chủ yếu sống nhờ khai thác rừng và trồng cây lúa nước theo phương pháp truyền thống. Nay nhờ những ứng dụng mới của KHKT, bà con đã sản xuất lúa một năm 3 vụ, năng suất đạt bình quân 52 tạ/ha; diện tích mì khoảng 97 ha, mía 43 ha. Ngoài ra, bà con tận dụng diện tích rừng trồng từ dự án WB3 và 631 đầu tư nuôi thả bò. Đàn bò trong thôn ít nhất cũng đến 700 con, với tỷ lệ bò lai chiếm hơn 90% , mang lại thu nhập rất khá cho bà con”.
Đinh Ngọc