Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác
Theo Phó trưởng Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Thái Minh Trí, chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác là một trong những định hướng quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng trong thời gian đến.
● Nhìn lại phong trào thi đua, công tác khen thưởng năm 2019, có thể thấy nổi bật là phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” và phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Xin ông thông tin cụ thể kết quả của 2 phong trào này?
- Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh (2011 - 2020), với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Bình Định đã đạt được những kết quả nổi bật. Kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống nhân dân nông thôn được tăng lên, cơ cấu lao động được chuyển dịch một cách mạnh mẽ, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ và giảm nông nghiệp.
Hoài Nhơn là điển hình trong phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM”.
- Trong ảnh: Một góc xã NTM Hoài Châu Bắc.
Toàn tỉnh đã có 77/121 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 63,6%; vượt 16 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020, dẫn đầu cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải - miền Trung. Bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Điển hình trong phong trào này có huyện Hoài Nhơn, TX An Nhơn đã được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) và xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) là những xã tiêu biểu trong xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, trong năm 2019 đã có 11 đề tài nghiên cứu khoa học được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng bằng “Lao động sáng tạo”; có 31 công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động công đoàn và lao động, sản xuất được biểu dương. Tiêu biểu trong phong trào lao động sáng tạo có ông Nguyễn Thanh Hùng - Tổ trưởng Tổ thổi chai nhựa PP, Phân xưởng dịch truyền thuộc Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam - chi nhánh Bình Định; ông Lương Cao Chiển - Tổ trưởng tổ máy, Phân xưởng đông khô - sản phẩm vô trùng thuộc Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định…
● Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7.4.2014 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng” có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Ý kiến của ông như thế nào?
- Đúng vậy. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp, DN trên địa bàn tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW.
Ông Lương Cao Chiển - Tổ trưởng tổ máy, Phân xưởng đông khô - sản phẩm vô trùng (Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định) - điển hình của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Kết quả đánh giá cho thấy, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được đổi mới căn bản, gắn hiệu quả, chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương với việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Đáng chú ý, thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Khen thưởng cho công chức, chuyên viên, công nhân, nông dân qua 5 năm luôn xấp xỉ gần 60% số cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Trung bình mỗi năm có 3 - 4 công nhân và 7 - 8 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, có 2 nông dân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
● 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, công tác thi đua khen thưởng càng có vai trò lớn để động viên các tập thể, cá nhân nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập thành tích cao hơn. Xin ông cho biết những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng?
- Đầu tiên là gắn trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương gắn thực hiện tốt công tác khen thưởng đảm bảo theo nguyên tắc: Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Đồng thời thực hiện biểu dương, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất và thiết thực.
Ngoài ra, công tác khen thưởng phải gắn liền với kết quả thiết thực, hiệu quả từ các phong trào thi đua. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
● Xin cảm ơn ông!
MAI LÂM (Thực hiện)